Ba Chị Em Nhà Họ Tống

Chương 39: Người Ở Lại Trung Hoa

/39


Gia đình nhà họ Tống vẫn còn một người ở lại Trung hoa. Đó là bà Tống Khánh Linh, góa phụ của Tôn Dật Tiên. Bà thù ghét phe Tưởng Giới Thạch đến nỗi không chịu theo gia đình ra ngoại quốc hoặc Đài Loan. Chị em bà hầu hết lánh nạn tại Hoa Kỳ; người con chồng của bà là Tôn Khoa thì sang Pháp. Tháng 5- 1949, quân cộng sản tiến vào Thượng Hải thì bà quyết định ở lại. Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai gửi thư riêng cho bà, mời bà lên Bắc Kinh tham dự lễ tuyên cáo thành lập tân chế độ. Thoạt đầu bà Khánh Linh từ chối, lấy lý do Bắc Kinh là nơi gợi cho bà những kỷ niệm buồn vì chồng bà chết tại đó. Cuối cùng chính quyền cộng sản phải cử bà Đặng Dĩnh Siêu, vợ của Chu Ân Lai, thân hành xuống tận Thưởng Hải mời bà. Lúc đó bà mới nhận lời. Bà dùng xe lửa đi Bắc Kinh. Khi xe lửa của bà tới Bắc Kinh, bà được đông đủ lãnh tụ cộng sản cao cấp nhất ra tận sân ga đón chào, gồm có cả Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức và nhiều người khác.

Ngày 1- 10- 1949, Bà đứng cạnh Mao Trạch Đông tại khán đài trên Thiên An Môn để nghe Mao Trạch Đông tuyên cáo thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, và chứng kiến hàng triệu người diễn hành. Lúc đó bà đã 57 tuổi.

Phe cộng sản phải trọng vọng biệt đãi bà Tống Khánh Linh, và mời bà lên khán đài Thiên An Môn mặc dù bà không phải là một đảng viên cộng sản, vì bà có một uy tín rất lớn trước quảng đại quần chúng Trung hoa. Người Trung hoa vẫn tôn kính chồng bà là Tôn Dật Tiên. Kể từ lúc Tôn Dật Tiên chết, bà được coi là biểu tượng cho lý tưởng cách mạng của chồng bà và của Trung hoa. Quần chúng càng ngưỡng mộ bà hơn khi bà tỏ ra thù ghét chế độ Quốc dân đảng thối nát do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo. Bà không bao giờ hùa theo phe Tưởng để phe Tưởng có thể lạm dụng uy tín chính trị của bà. Không những thế, trong những năm cuối cùng của phe Tưởng tại Trùng Khánh, bà hầu như bị giam lỏng tại gia.

Khi cuộc nội chiến Quốc Cộng chấm dứt, Khánh Linh trở về sống tại căn nhà cũ tại Thượng Hải. Khi chính phủ Trung cộng thành lập, bà được mời làm phó chủ tịch chính phủ tại Bắc Kinh, một chức vụ tượng trưng, hữu danh vô thực, vì cộng sản đang cần đến uy tín của bà. Căn nhà bà từng sống chung với Tôn Dật Tiên trên đường Molière tại Thượng Hải được biến thành một thánh tích quốc gia. Bà dọn về căn nhà cũ của thân phụ. Trong chính quyền Trung cộng, bà chỉ quý mến thân thiện với Chu Ân Lai. Bà chỉ gặp Mao Trạch Đông một vài lần, nhưng thường cố ý tránh né. Năm 1960 bà bị bệnh ung thư bạch huyết và sống bệnh tật trong hai mươi năm cuối cuộc đời bà.

Năm 1950 cuộc chiến tại Triều Tiên bùng nổ. Trung Cộng cho rằng Mỹ muốn dùng Triều Tiên như một bàn đạp để xâm chiếm Trung hoa cho phe Tưởng Giới Thạch, nên tung mấy triệu chí nguyện quân sang chiến đấu giúp Bắc Triều Tiên. Bà Khánh Linh kịch liệt tố cáo Hoa Kỳ can thiệp vào cuộc chiến tại Triều Tiên, và bà nỗ lực tranh đấu cho hòa bình thế giới. Năm 1951 bà được trao tặng giải Hòa Bình Stalin. Tháng 12- 1952, bà lãnh đạo một phái đoàn Trung cộng tham dự Hội Nghị Hòa Bình Các Dân Tộc tại thủ đô nước Áo, tại đó bà ngồi ghế chủ tọa cùng với những nhân vật nổi tiếng thế giới. Bà tố cáo Hoa Kỳ dùng chiến tranh vi trùng tại Triều Tiên. Vào giữa tháng 1- 1953, trên đường về nước, bà ghé qua Mạc tư khoa, và là người khách ngoại quốc cuối cùng gặp Stalin trước khi Stalin chết.

Kể từ năm 1950, bà Khánh Linh dấn thân vào các hoạt động bảo vệ thiếu nhị Bà bị xẩy thai đứa con duy nhất của bà năm 1922, bây giờ bà dành tất cả tình thương cho mọi trẻ con trong xã hội. Địa vị của Khánh Linh vượt quá cả cái giới hạn tượng trưng mà người cộng sản dành cho bà. Năm 1957, khi Mao Trạch Đông đi Mạc tư khoa tham dự Hội nghị Cộng đảng Quốc tế, Mao mời bà Khánh Linh làm một thành viên của phái đoàn Trung cộng. Mao Trạch Đông mời bà ngồi cạnh khi Mao ký bản tuyên ngôn vào lúc bế mạc hội nghị. Là một người vừa lôi cuốn, khôn khéo và tận tình dâng hiến cho phúc lợi của quần chúng, bà Khánh Linh đã biểu tượng cho những hình ảnh đẹp nhất cho Trung hoa. Bà đã tham dự nhiều chuyến du hành thiện chí trên thế giới và đã tạo được những ấn tượng rất thuận lợi. Tại thủ đô Ấn Độ năm 1955, thủ tướng Nehru đã nói về Khánh Linh: "Trong những năm vừa qua, dù Trung Hoa trải qua bất cứ cơn bão tố nào, niềm tin của bà Tống Khánh Linh không bao giờ lung laỵ Bao giờ bà cũng lên tiếng cho hòa bình."

Người cộng sản cũng biết ơn sự ủng hộ của bà Khánh Linh, và đã cung cấp cho bà một cuộc sống sang trọng. Nhà riêng của bà tại Bắc Kinh là một dinh thự bên trong Cấm Thành, nơi trước kia vua Phổ Nghi của nhà Thanh chào đời. Bà cũng được cung cấp một số đông đảo gia nhân. Chính cái dinh thự sang trọng dành cho bà đã khiến bà bị chỉ trích đã sống một đời xa hoa trong khi quần chúng mỗi gia đình chỉ có một phòng ngủ. Thực ra bà không có một lương tâm phạm tội. Nếu bà chọn lựa con đường vật chất tiền tài thì bà có thể sống sang trọng gấp trăm lần như thế, như các chị em của bà. Nhưng bà từ chối mọi của cải vật chất, và chỉ sống một cuộc đời thanh đạm. Bà coi của cải và sự hoang phí của quá khứ là kết quả của sự khai thác bóc lột. Chính vì thế bà thích sống trong căn nhà cũ của thân phụ tại Thượng Hải hơn là cái dinh thự nguy nga đồ sộ dành cho bà tại Bắc Kinh.

Có một người quyền lực tại Bắc Kinh thù ghét bà Khánh Linh. Đó là Giang Thanh, vợ cuối cùng của Mao Trạch Đông. Giang Thanh rất căm giận khi Khánh Linh được coi là người phụ nữ số một của Trung hoa. Giang Thanh nghĩ rằng địa vị ấy phải là của mình. Năm 1966, khi Giang Thanh phát động cuộc Cách mạng Văn hóa, thì một trong những nạn nhân đầu tiên của Giang Thanh là bà Khánh Linh. Năm đó bà Khánh Linh đã 73 tuổi. Thoạt đầu một người vệ sĩ của bà chết một cách bí mật. Hồng vệ binh của Giang Thanh trương biểu ngữ tố cáo Khánh Linh là tư sản phản động, vì bà rất yêu thích những nghệ phẩm đẹp, vẫn để tóc dài và không chịu gia nhập đảng cộng sản. Trước đó chính quyền cộng sản cho xây một ngôi đền thờ Tôn Dật Tiên tại nơi sinh quán của Tôn Dật Tiên. Bây giờ đền thờ này bị Hồng vệ binh đập phá san bằng. Hồng vệ binh tố cáo Tôn Dật Tiên làm một cuộc cách mạng tiểu tư sản. Cuối năm 1966, mộ của song thân bà bị khai quật lên, và Hồng vệ binh gán cho vợ chồng Tống Giáo Nhân là đầu sỏ của một gia đình độc ác, đã sinh sản ra những kẻ thù của nhân dân. Bà Khánh Linh rất đau lòng khi mộ của cha mẹ bị khai quật xúc phạm đến như thế.

Một ngày tháng 9- 1966, Hồng vệ binh Thượng Hải tràn vào nhà bà Khánh Linh để đập phá đồ đạc và cướp đồ. Chúng định cắt mớ tóc dài của bà. May mắn lúc đó bà không có nhà, nhưng bà không khỏi kinh hoàng và cảm thấy có thể bị làn sóng đỏ tràn ngập. Chu Ân Lai được tin bà bị tấn công, vội vàng đứng ra can thiệp, cảnh cáo Hồng vệ binh không được đụng chạm tới bà. Chu Ân Lai ra nghiêm lệnh: "Tuyệt đối không được đụng chạm tới đồng chí Tống Khánh Linh." Ngôi mộ của song thân bà được trùng tu lại, và quân đội được phái tới canh gác tư thất của bà và ngôi mộ của song thân bà. Chu Ân Lai đã hết sức bảo vệ bà Khánh Linh. Trong buổi lễ kỷ niệm sinh nhật của Tôn Dật Tiên ngày 12- 11- 1966, Chu Ân Lai phải trích dẫn những bài diễn văn dài của Mao Trạch Đông ca ngợi Tôn Dật Tiên năm 1956, khi Mao xác nhận vai trò lịch sử quan trọng của Tôn Dật Tiên. Nhờ thế Giang Thanh mới chịu bỏ qua và để bà Khánh Linh được yên thân.

Tuy bà Khánh Linh không còn bị xúc phạm trực tiếp nữa, nhưng bà vẫn sống trong sự bất ổn và lo sợ. Bà sống trong một tình trạng căng thẳng, không dám đi ra khỏi nhà và cũng không dám tiếp khách. Mọi hoạt động của bà ngừng hẳn. Nhiều người bà con bên ngoại của bà bị Hồng vệ binh tấn công vì tội có thân nhân ở ngoại quốc. Bà Khánh Linh bất lực không thể cứu giúp gia đình họ hàng được. Nhưng bà cương quyết bênh vực lý tưởng cách mạng của Tôn Dật Tiên. Bà cũng vẫn tìm cách bênh vực giúp đỡ những đảng viên cộng sản bị Giang Thanh hành hạ. Khi bà Vương Quang Mỹ, vợ của Lưu Thiếu Kỳ, bị tống giam vào ngục tối, chính bà Khánh Linh đã tìm cách giúp các con của Vương Quang Mỹ được vào thăm mẹ. Nhưng cũng phải sáu năm sau, mãi đến năm 1972, các con của Vương Quang Mỹ mới được gặp lại mẹ. Vương Quang Mỹ là một tuyệt thế giai nhân, thế mà chỉ mấy năm nằm trong tù của Giang Thanh, Vương Quang Mỹ đã trở thành một người khác hẳn, yếu đến nỗi không thể đứng dậy được, tóc rụng gần hết và ho khạc ra máu.

Năm 1966, khi địa vị của Mao Trạch Đông được đưa lên ngang hàng với thần thánh, và tiền nhân bị chê bai, thì bà đọc một bài diễn văn rất dài trong buổi lễ kỷ niệm Tôn Dật Tiên. Bà trình bày rất chi tiết mọi hoạt động cách mạng của Tôn Dật Tiên. Bài diễn văn của bà năm đó không có những khẩu hiệu cuối diễn văn: "Vạn tuế đại lãnh tụ Mao chủ tịch!" như thường lệ. Cuộc đời bà sống với cộng sản thực ra cũng chỉ là một thứ đi đầy trong sự hào nhoáng bề ngoài. Bà không khỏi đau lòng khi thấy tên em gái là Tống Mỹ Linh bị coi là tội phạm chiến tranh số một tại Trung Cộng, và gia đình nhà họ Tống bị coi là một trong bốn gia đình tội ác nhất Trung hoa.

Khánh Linh đã có một đời góa phụ dài nhất, suốt 56 năm kể từ năm 1925 khi Tôn Dật Tiên từ trần và bà còn rất trẻ, mới chỉ có 32 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của một người đàn bà. Bà có rất nhiều người ái mộ, cả người Trung hoa và người ngoại quốc. Thủ tướng Nehru của Ấn Độ gặp bà năm 1927 tại Mạc tư khoa đã vô cùng say mê bà. Về sau này trong phòng làm việc của Nehru lúc nào cũng có treo hai tấm hình đàn bà, một tấm là hình của người vợ đã chết và một tấm là hình của Khánh Linh.

Ngoài Nehru ra còn nhiều ký giả ngoại quốc cũng say mê bà sau khi gặp bà. Sau này người ta đồn rằng bà có một mối tình khác đối với người thư ký riêng của bà, nhưng chuyện đó có thể là sản phẩm tưởng tượng của Giang Thanh nhằm hạ uy tín của bà. Người Trung hoa thương xót bà phải sống cảnh góa bụa khi còn rất trẻ, nhưng họ cũng không muốn bà kết hôn một lần nữa. Họ muốn bà là một hình ảnh đẹp vĩnh hằng. Thực ra Khánh Linh lúc nào cũng thận trọng giữ gìn tiếng thơm của bà. Bà không phải chỉ là một góa phụ thủ tiết thờ chồng đã chết, và cũng không phải chỉ là một góa phụ đạo đức bảo vệ danh tiếng trong sạch của mình. Đúng ra bà đã kết hôn với lý tưởng của bà, và không muốn làm nguy hại đến những lý tưởng đó để kẻ thù có thể làm ô nhục bà.

Khánh Linh không có con. Bà bị xảy thai một lần trong lúc phải chạy trốn khi dinh tổng thống tại Quảng Châu bị quân phản loạn của Trần Quýnh Minh tấn công. Trong những năm cuối cùng của bà, Khánh Linh để hết tâm trí chăm sóc hai người con gái nuôi. Khi phong trào Hồng vệ binh tan rã, và Giang Thanh bị bắt, cuộc đời bà lại trở lại bình lặng. Lần xuất hiện cuối cùng của bà trước công chúng là ngày 8- 5- 1981, khi bà nhận bằng tiến sĩ luật khoa danh dự tại đại học Victoria, Gia Nã Đại.

Khánh Linh ủng hộ đường lối kinh tế thực nghiệm của Đặng Tiểu Bình. Khi nhóm Giang Thanh bị bắt, và Đặng Tiểu Bình trở lại chính quyền, bà đã hết sức vui mừng và viết trong bài " Chí Nhân Dân Nhất Định Thắng": "Hôm nay tôi đã ngoài 80 tuổi. Nhưng khi tôi được chứng kiến con tàu của nước Tân Trung Hoa đi đúng đường sau khi suýt bị lật chìm, và bây giờ đang thẳng tiến một cách huy hoàng, vượt qua được mọi sóng gió, thì không lời nào diễn tả hết được niềm vui và hạnh phúc của tôi. Bây giờ chúng ta lại có hy vọng cho Trung Hoa"

Ngày 16- 5- 1981, bà Khánh Linh được Trung Cộng phong chức Tổng thống Danh dự của Trung cộng. Và tuần lễ sau đó bà bị bắt buộc gia nhập đảng cộng sản Trung hoa. Nhưng thực ra lúc ấy Khánh Linh không biết gì về việc được bầu làm tổng thống và việc gia nhập đảng cộng sản, vì bà đã hôn mê vì bệnh ung thư rồi. Ngày 19- 5- 1981, bà từ trần tại Bắc Kinh, hưởng thọ 88 tuổi. Các lãnh tụ lớn của Trung cộng như Đặng Tiểu Bình, Lý Tiên Niệm, Đặng Dĩnh Siêu... đã tới nghiêng mình trước giường chết của bà.

Bà Khánh Linh để lại chúc thư xin được chôn cất tại Thượng Hải, bên cạnh mộ phần của song thân, mặc dù khi còn sống, thân phụ bà là Tống Giáo Nhân đã từ bà khi bà nhất quyết kết hôn với Tôn Dật Tiên. Bà không muốn được chôn bên cạnh mộ chồng. Bà muốn chứng tỏ rằng bà cũng là một chiến sĩ độc lập tranh đấu cho đất nước Trung hoa, chứ không phải chỉ là một cái bóng mờ bên cạnh Tôn Dật Tiên.

Bà Khánh Linh tận tụy suốt cuộc đời cho lý tưởng yêu mến nước Trung hoa của bà. Bà đã đạt được mục đích ấy khi cả nước Trung hoa kính trọng biết ơn bà, và bà là người đã làm rạng danh nhà họ Tống. Bà Tống Khánh Linh quả thực là một người phụ nữ vĩ đại nhất của Trung hoa trong thế kỷ 20. Hai người chị và em của bà là Ái Linh và Mỹ Linh cũng thỏa mãn được chí nguyện của họ. Ái Linh đã thành công về tiền bạc và là người giầu nhất nước Trung hoa. Mỹ Linh cũng đã trở thành người đàn bà uy quyền nhất Trung hoa trong địa vị một tổng thống phu nhân, vợ của nhà độc tài quân phiệt Tưởng Giới Thạch. Người Trung hoa đã nhận xét rất đúng về ba chị em nhà họ Tống, khi họ nói: "Trong ba chị em nhà họ Tống thì một người yêu tiền, một người yêu quyền và một người yêu nước Trung Hoa"

----Kết Thúc Truyện ----


/39

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status