Phát Súng Ân Tình

Chương 7: chương 7

/9


Tôi trở về nhà vào lúc 7 giờ sáng, mệt nhoài vì một đêm uống rượu và làm tình nhưng cảm thấy hạnh phúc và sung sướng. Lúc chia tay, Linh hôn tôi, rơm rớm nước mắt nói:

- Cám ơn anh đã cho Linh một đêm tuyệt vời. Linh chưa bao giờ có được một đêm ái ân như thế trong đời.

Nhìn đôi mắt nàng, tôi biết nàng nói thật. Như mọi người đàn ông trên đời, điều này làm tôi hãnh diện. Tôi nắm lấy tay nàng hỏi:

- Em làm anh thấy... sướng... Chừng nào anh trở lại được?

Linh lắc đầu, nhìn xuống đất ái ngại:

- Theo em đoán thì chắc chiều nay anh Jeff sẽ về nhà, mình gặp nhau đâu có được.

Hiểu ý nàng, tôi không nói thêm điều gì, phóng lên xe. Linh cúi người xuống, nói qua cửa sổ:

- Em yêu anh, không muốn có chuyện gì xảy ra cho anh. Anh rán giữ mình. Chuyện của mình hai đứa mình thì cứ để như thế đi... Mai mốt, nếu có gì thay đổi, tụi mình sẽ sum họp.

Tôi cười tê tái:

- Nếu chồng em còn có nhà thì sum họp không được à?

Linh lắc đầu:

- Đâu có tiện anh. Anh cũng biết rằng anh ấy ghen lắm... Em cũng đang lo là không biết rồi về nhà ảnh sẽ đối xử với em như thế nào đây.

Mắt tôi long lên khi nghe Linh nói đến đó:

- Em đừng lo, nếu thằng khốn nạn mà còn động đến người em, làm em trầy một miếng da, em gọi cho anh biết. Anh sẽ lên trở lại đây tẩn cho nó một trận nữa... Anh bây giờ ngon rồi, là người của gia đình Gardino rồi...

- Thôi đi anh. Đừng quên anh chưa nhận việc mà... Và hôm nay mới là ngày đầu tiên của anh. Anh rán làm việc cho giỏi và cẩn thận giữ mình, đừng uống rượu nhiều quá, đừng gây gổ đánh lộn, đừng nóng tính với ai hết... Anh biết tụi nó là bọn người gì rồi. Anh cẩn thận nhá anh...

Linh nói một thôi như người vợ dặn dò người chồng trước khi lên đường đi xa làm tôi nghe cũng thấy cảm động. Tôi hỏi:

- Anh gọi cho em ở nhà được không?

- Đừng anh, nguy hiểm lắm.

- Như thế thì mình làm cách nào để gặp nhau?

- Ở hộp đêm Bahama... nếu anh còn dám ra đó. Em sắp đi làm lại rồi.

Tôi thở dài ra một cái với hình ảnh của người tình đi khoe đùi và kheo vú để lấy những đồng tiền thưởng. Nhưng tôi quả hoàn toàn bất lực trong hoàn cảnh này. Tôi nói:

- Đừng quên anh là người của gia đình Gardino, để anh ra ngoài đó coi thử có đứa nào dám đụng tới anh không.

Linh cười:

- Đừng tự tin quá anh ơi. Anh cũng đừng quên là cho tới bây giờ anh cũng vẫn chưa nhận việc mà.

Tôi nhận thấy Linh quả là một người đàn bà thực tế. Mà thật ra theo ý tôi, đàn bà thì ai cũng thực tế như vậy cả. Chỉ có đàn ông mới là mơ mộng, mới là hạng đòi bắt mây nắm gió thôi. Tôi hôn nàng lần nữa rồi rồ máy xe phóng đi...

Về nhà, mở cửa phòng bước vào, tuy tôi mệt lắm nhưng nhờ "tình yêu" trợ lực, tôi cảm thấy tỉnh táo vô cùng. Tôi tắm rửa, thay đồ mới, pha cà phê rồi đem ly ra ngồi nơi lan can nhìn xuống đường, nhàn nhã và sang trọng như một dân thừa tiền lắm của...

Nhìn xuống cái sân cỏ giữa mấy building, tôi có cảm tưởng là mình sẽ không còn ở nơi này lâu, vì ông Bob đã từng nói với tôi nhiều lần nếu tôi chịu nhận việc, tôi phải dời đi ở một nơi khác. Tôi biết chỗ tôi sắp đến ở sẽ sang trọng hơn chỗ này nhiều, có thể có đủ mục ăn chơi, nhưng tôi tiếc một điều là không còn gần gũi với anh chị Báu để được ăn cơm Việt Nam.

Vừa nghĩ đến anh chị Báu, tôi bỗng nhìn thấy anh Báu bước ra khỏi building, đi băng qua sân cỏ. Tay anh cầm hộp đựng cơm trưa, đầu anh cúi xuống. Không hiểu sao, tôi nhìn thấy những bước chân của anh mang một vẻ nhẫn nại và chịu đựng. Tôi nghĩ cách đây mấy tuần lễ, chắc hình ảnh của tôi cũng như vậy thôi chứ có hơn gì. Có lẽ thê thảm hơn bởi vì tôi làm nghề rửa chén, còn anh Báu làm nghề nhà in. Nghề nhà in, dù mới bắt đầu chỉ là thợ vịn hay thợ chùi rửa máy, nhưng từ từ rồi thế nào cũng lên được thợ chạy máy in, lên cai. Còn tôi, nghề rửa chén thì muốn lên chỉ được lên chức phụ bếp. Mà phụ bếp thì chán lắm, tối ngày cũng chỉ quanh quẩn trong nhà bếp chứ đâu có tiến xa hơn được.

Tôi gọi anh Báu. Anh dừng lại nhìn lên. Khi thấy tôi, anh toét miệng cười. Nụ cười thật là hiền lành và tự nhiên.

- Trời ơi, ông Trường... Mấy tuần rồi mới thấy ông. Ông đi đâu mà tôi kiếm hoài không ra?

- Anh kiếm tôi làm gì.

- Có một người Mỹ tìm ông.

- Phải cảnh sát không? Nếu là cảnh sát thì tôi đã gặp rồi.

- Không, ông này Mỹ đen. To con lắm.Lại có chuyện lạ rồi. Tôi nhíu mày suy nghĩ...

Mấy tuần lễ qua, tôi không lên nhà anh Báu ăn cơm nữa. Tối nào tôi cũng đi hộp đêm ăn nhậu với ông Bob đến gần sáng mới mò về. Về là ngủ say li bì rồi lại đi nữa nên chẳng có biết gì. Tôi nói:

- Anh rảnh không, lên đây nói chuyện với tôi chút.

Anh Báu lật tay nhìn đồng hồ rồi chắc lưỡi:

- Nếu tôi lên thì nhất định phải trễ giờ, nhưng tôi phải lên nói chuyện với ông mới được. Tôi có một chuyện quan trọng cần muốn nói. Hơn nữa, thằng xếp tôi nó thương tôi lắm, chắc nó thông cảm.Mẹ, hết chuyện thằng đen rồi lại tới chuyện gì quan trọng đây? May mà mình gặp anh Báu, chứ nếu không thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Tôi kéo anh Báu vào phòng, rót đầy một ly cà phê.

Anh Báu nhìn tôi rồi phê bình liền:

- Mặt mày ông sáng nay coi sao mà rạng rỡ và hạnh phúc quá, y như là trúng số vậy.Tôi giật mình. Anh Báu quả là người biết coi tướng số. Không rạng rỡ và hạnh phúc làm sao được khi mình vừa mới làm tình 6 quả đêm hôm qua sau hơn nửa năm trời bị treo giò. Và độc đáo hơn nữa, không phải làm tình với... đĩ mà làm tình với người yêu.

Tôi cười, hỏi:

- Anh biết coi tướng số hay sao vậy?

Anh Báu gật đầu:

- Thì cũng chút chút...

Mãi sau này tôi mới biết sợ cái "chút chút" này của anh Báu. Tôi nâng ly cà phê lên mời anh Báu:

- Mấy lúc sau này tôi bận quá không lên ăn cơm với anh được...

- Bữa cơm nào tụi tui cũng chờ ông hết. Nói thật, ông tuy là người mới quen nhưng ở đây thì coi cũng như ruột thịt rồi...

Nghe anh Báu nói hai chữ "ruột thịt" tôi bỗng nhớ đến chuyện chị Báu và tôi. Phải, cũng chính trong căn phòng này, tôi và chị Báu đã xém tí nữa thì "phạm tội" với anh Báu... Tôi hỏi:

- Anh nói… có chuyện gì?

Anh Báu uống cạn ly cà phê:

- Ông ơi, tôi nói thật, tôi quý ông lắm, nói ông đừng buồn...

Tôi không nói gì và thấy lòng hơi lo một chút. Anh Báu biết hết mọi chuyện rồi chăng? Anh Báu tiếp:

- Ông biết hôm trước nói chuyện với ông về mấy cái vỏ xe của tôi...

Tôi thở phào ra một cái nhẹ nhỏm. Anh Báu tiếp:

- Trời ơi, bây giờ thì tôi hối hận quá ông ơi. Cái bữa đó phải chi tôi đừng có lên đây kêu ông, đừng có than thở với ông về mấy cái vỏ xe tôi thì tôi đâu có phải ăn chay nằm đất như bây giờ...

Tôi tròn mắt lại, nhìn anh ngạc nhiên:

- Anh nói gì tôi không hiểu. Anh làm gì mà phải ăn chay nằm đất?

Anh Báu lắc đầu, rươm rướm nước mắt nói:

- Trong các tội của nhà Phật, tội sát sinh là tội nặng nhất. Tôi từ nhỏ tới lớn chưa giết một con kiến, nay bỗng dưng qua Mỹ, chỉ vì mấy cái vỏ xe, trong lúc nóng giận mà để cho ông... giết người như vậy thì thật là... không được chút nào ông ơi.

Thì ra vậy. Bây giờ thì tôi hiểu được cặp mắt nhìn khó hiểu của anh Báu buổi sáng ngày nào ở dưới bãi đậu xe. Tôi nhăn mặt lại, hỏi:

- Ai nói với anh là tôi giết người?

- Còn phải ai nói nữa ông! Chuyện này ở đây ai lại chẳng biết... Nhưng mà thôi, tôi đang ăn chay để cầu nguyện cho linh hồn của ông Mỹ da đen đó được siêu thoát. Tôi chỉ mong rằng ông từ nay về sau đừng có sát sinh như vậy nữa. Ông giết người dễ quá. Ông nên nhớ rằng lấy oán báo oán thì oán chồng chất, lấy ân báo oán thì oán tiêu tan...

Mới sáng sớm đã phải nghe kinh Phật. Tôi lắc đầu, không biết cắt nghĩa thế nào cho anh Báu hiểu. Anh Báu vẫn than thở bằng một giọng đau khổ:

- Nhưng mà lỗi cũng tại tôi hết. Thì tôi cũng tưởng là ông có quen thằng cha cảnh sát nào đó để chả giúp tôi thật... tính tôi dễ tin, ai ngờ ông lại lôi nó ra mà bắn chết tươi. Trời ơi, tôi giết con gà mà còn thấy lạnh mình, mấy ngày sau còn thấy hối hận mà thấy sao ông gan quá... Khổ quá ông ơi, mình sinh ra ở đời, đâu có phải vì mấy cái vỏ xe mà giết người dễ dàng như vậy được. Mình ăn ở có đức thì trời mới thương được...

Tôi gằn giọng:

- Anh Báu! Anh nghe tôi cho kỹ đây!

- Ông nói đi.

- Tôi nói với anh là tôi không phải là cái thứ giết người không gớm tay như anh nghĩ. Trái lại, lòng tôi cũng như lòng anh vậy. Tôi chỉ bị hiểu lầm, tôi hoàn toàn không biết gì về cái vụ đó...

Anh Báu lắc đầu, đưa mắt nhìn đi chỗ khác, hoàn toàn không có một chút gì tin tưởng nơi những lời tôi vừa nói. Anh đưa mắt liếc nhìn vào bụng tôi, nơi cộm lên một chút vì nhét cây 9 mm:

- Vậy chứ mới sáng sớm mà ông dắt cây súng trong bụng để làm gì? Ông đừng quên là tôi cũng có một thời ở trong lính. Thôi ông ơi, tôi không có đi báo cảnh sát đâu mà ông chối. Chỗ quen biết hàng xóm với nhau, tôi chỉ muốn khuyên ông là ở đời, hễ mình gieo nhân nào thì mình gặt quả đó. Ông rán tu thân để tích đức đi. Ông còn trẻ, lại lanh lẹ và tháo vát, tôi biết đời ông sau này sẽ khá, sẽ nổi tiếng nếu ông chịu làm lành lánh dữ, chịu khó tu thân chút xíu...

Tôi lắc đầu và cười khì, biết rằng có thanh minh thanh nga thì cũng vô ích thôi nên đổi đề tài:

- Hồi nãy anh nói có thằng Mỹ đen đi kiếm tôi à?

- Ừ, chút xíu nữa thì mà tôi quên mất. Tối hôm tuần trước, nó gõ cửa nhà làm vợ chồng tôi hết hồn một phen. May mà tụi tôi chưa kêu cảnh sát, có kêu thì cũng là quê một cục... Nhưng mà trời tối mà nghe tiếng gõ, mở cửa ra thì thấy một ông da đen to thật là to đứng lù lù ngay cửa, ai mà không sợ ông. Tụi tôi muốn đứng tim luôn...

Tôi nóng nảy cắt lời:

- Nó hỏi gì tôi?

- Nó nói nó thấy gia đình tôi người Việt Nam nên nó muốn vô hỏi một câu thôi.

- Câu gì?

- Nó hỏi tôi cái thằng Việt Nam ở building đối diện dọn nhà đi đâu rồi?

- Anh trả lời làm sao?

- Mình đâu có ngu anh. Biết tiếng ông rồi nên tôi đâu có thèm nói, lỡ nó có thù oán gì với ông thì sao. Tôi chỉ nói là không biết. Mà dòm cái mặt nó thì thấy ghê quá...

Tôi cười gượng:

- Vậy là tốt.

- Tưởng vậy là yên rồi, ai ngờ vài bữa sau nó trở lại hỏi nữa. Tôi hỏi nó muốn gì thì nó nói nó muốn nói chuyện thôi.

- Nó có nói tên không?

- Có, nó nói tên "Dắc" tên "Dây" gì đó, ai mà nhớ được.

- Nó bự con lắm phải không?

- Ờ.

Vậy thì đúng là thằng Jay rồi. Nhưng nó kiếm tôi làm gì nhỉ? Đúng ra thì tôi đang đi kiếm nó để đòi lại cây súng và nếu cần thì đấu súng một trận. Tôi nghĩ mình bây giờ đã đủ bản lãnh để đấu với nó rồi. Thế là cái đầu... gian ác của tôi bỗng nghĩ ra một kế vặt...

Tôi vỗ vào đùi mình một cái như sực nghĩ ra chuyện gì rồi nói với anh Báu:

- Trời ơi, tôi nhớ ra rồi, nó là thằng bạn tôi đó. Thằng bạn làm chung trong hãng mà tôi mới quen. Tụi tôi thân nhau lắm. Nếu anh gặp nó lại thì anh xin giùm nó cái số điện thoại giùm tôi. Nếu nó không cho thì anh cho nó số điện thoại của tôi cũng được.

Anh Báu nhìn tôi khó hiểu:

- Nếu nó làm chung hãng với ông làm sao nó không biết số điện thoại của ông?

Anh Báu tinh tế thật. Biết là mình hớ nhưng xưa nay tôi vốn là một thằng lắm mồm, liền chữa lửa:

- Không phải, hồi xưa nó làm với tôi nhưng sau đó nó bị đuổi. Dĩ nhiên, tôi có cho nó số điện thoại của tôi nhưng lâu ngày chắc nó quên hay nó làm mất rồi. Anh biết tụi nó mà, tụi nó có thèm nhớ cái gì đâu...

- Nghe thì cũng có lý, nhưng tôi nhìn mặt ông tôi thấy sao tôi ngán ông quá ông ơi. Ông đừng có dụ người ta vô nhà rồi bắn nữa nghe ông. Ông phải thề với tôi. Nếu ông làm thế thì tôi nhất định không nói.

Tôi cười, lắc đầu:

- Anh lại nói chuyện tầm bậy nữa. Anh làm như tôi là thứ quân hung dữ lắm. Thôi thì như thế này, nếu anh gặp nó, anh cứ chỉ nó lên phòng tôi ngồi chờ... Anh nói với nó là tôi hay đi tới 4, 5 giờ sáng mới về...

Anh Báu nhìn đồng hồ rồi đứng lên:

- Thôi được, để tôi đi làm. Tôi thấy sắc diện ông lúc này sắp phát tài hay sao đó...

Đây là lần thứ hai anh Báu nói với tôi như vậy. Tôi chẳng biết mình có sắp sửa phát tài không, nhưng tôi biết ngày hôm nay tôi có một buổi họp rất quan trọng. Điểm cần nói ở đây là anh Báu không hề biết chuyện này mà vẫn nói là tôi sắp phát tài. Tôi tiễn anh Báu ra cửa:

-Tôi mà phát tài thì tôi đâu có quên anh!

Anh Báu đi chưa được bao lâu thì chuông điện thoại reo. Ông Bob chỉ nói gọn lỏn "Thay đồ đi, tao tới liền. Hôm nay là ngày trọng đại," rồi cúp máy.

Ngày trọng đại sắp sửa bắt đầu. Đời tôi sắp bước sang một khúc rẻ mới. Tôi có cảm giác như buổi sáng hôm nào mở mắt thức dậy thấy mình nằm trong một căn lều trong trại tị nạn của quân đội Mỹ ở trên một hòn đảo Phi Luật Tân. Ngay lúc ấy, tôi đã biết đời tôi kể từ hôm nay trở về sau sẽ không bao giờ còn như xưa nữa. Và hôm nay cũng vậy, tôi cũng biết đời tôi kể từ ngày hôm nay sẽ có nhiều thay đổi.

Tôi hít một hơi thở dài, cất ly cà phê rồi lững thững bước ra khỏi nhà, xuống đường đứng chờ ông Bob...

° ° °

Tôi mở cửa phóng lên băng trước chiếc xe Cadilac bóng lộn và mới tinh còn thơm mùi nệm do ông Bob lái vì băng sau đã có hai khuôn mặt cô hồn chiếm giữ.

Tôi quay lại đưa tay bắt chào xã giao. Hai bàn tay của hai thằng cô hồn lạnh lùng đưa ra bắt nhưng không thèm nói lời nào ngoài hai tiếng giới thiệu tên họ. Một thằng là Paul, thằng kia là Allen.

Từ ngày sang Mỹ, tôi đã quen với những vụ "bị người ta coi thường" như thế này rồi nên không lấy thế làm quan trọng hay đau lòng. Đời mà. Làm sao mình có thể kiểm soát được sự thương ghét của người ta được. Và khi không kiểm soát được thì phải biết cách tảng lờ... Khi nào đụng chuyện rồi mới biết tay nhau các bạn ơi, tôi nhủ thầm.

Tôi quay sang hỏi ông Bob, coi như hai tên ngồi phía sau không có:

- Mình đi gặp ông chủ lớn nói chuyện chớ hả?

Ông Bob không trả lời thẳng mà lại lắc đầu:

- Tao quên giới thiệu với mày hai người ngồi phía sau đây đến từ trung ương...

- Trung ương?

- Phải, đúng hơn là người của thằng Mark. Thằng Mark là con của ông già.

- Ông già nào?

- Tao quên cắt nghĩa cho mày hiểu. Ông già tức là ông trùm Buno Gardino, người cầm đầu gia đình Gardino.

Tôi gật đầu. Ông Bob nói tiếp:

- Theo luật lệ nhập môn của gia đình Gardino, ai vào nhận việc cũng phải qua một kỳ khảo hạch nhỏ bởi hai người thân tín của ông trùm.

- Tôi đi xin làm ăn cướp chớ có thi cử gì đâu mà phải khảo hạch...

- Tao thì biết mày quá rồi, nhưng ở trên thì lại nghĩ khác. Cái policy của tụi tao là không bao giờ tin ai hết. Hai người này muốn coi thử coi mày có phải là người của cảnh sát hay của FBI hay của CIA gài vào gia đình Gardino không đã. Tụi tao mà hớ điều này thì coi như dẹp tiệm và riêng phần tao thì...

Ông Bob đưa một tay lên làm dấu cắt ngang cổ rồi tiếp:

- ... sẽ là người bị xử tử đầu tiên. Luật lệ của mafia là nếu tao giới thiệu một người nào trong tổ chức, tao phải đem mạng sống của tao ra để bảo đảm cho người đó. Nếu giới thiệu lầm một người của cảnh sát hay của FBI thì tao phải đem mạng sống mình ra mà trả giá.

- Trời đất, tôi là người tị nạn Việt Nam mới qua, làm sao quen với cảnh sát hay FBI được mà đi gài ai?

Ông Bob lắc đầu, cười cười:

- Việt Nam như tụi mày mới qua còn đáng phải coi chừng hơn nữa vì tao biết tụi CIA gài người đầy dẫy trong bọn tụi mày. Nhất là thứ phi công lái máy bay L-19 như mày. Tao ở Việt Nam tao biết, tụi mày chuyên môn chở tụi CIA đi chụp hình mà... Tổng thống Ford vừa mới tuyên bố là sẽ dùng mọi phương tiện kể cả những phương tiện sẵn có của quân đội để ngăn ngừa tội ác... Tổng thống đã nói thế thì mấy xếp lớn của tụi tao phải lo. Đối với tụi CIA thì mày còn lạ gì nữa. Chiến tranh Việt Nam hết rồi, chúng nó sẽ dồn hết lực lượng để chơi tụi tao...

- Nhưng ông biết tôi mà, tôi uống rượu như hủ chìm, uống say là nói năng văng mạng, bừa bãi, CIA mướn tôi để tôi uống rượu say rồi khai hết bí mật của họ ra à?

Ông Bob gật đầu:

- Dĩ nhiên là tao biết mày, biết tài của mày và những cái tật xấu của mày luôn nữa. Người như mày mà có xin đi làm công không cho bọn CIA tụi nó cũng đếch dám mướn. Nhưng mày cứ coi như đây là một vấn đề thủ tục. Và đã nói tới thủ tục thì ai cũng phải chịu. Hai ông bạn đây sẽ nhờ mày làm một việc để chứng minh rằng mày không phải là người của cớm hay của CIA gài vào. Sau đó, tụi mình sẽ đi gặp Mark Gardino.

Tôi cảm thấy lo. Tôi chẳng lạ gì cái "truyền thống chó đẻ" này của thế giới tụi bàn tay đen. Khi tuyển mộ một thằng lính mới, chúng nó bắt thằng lính chứng tỏ sự quyết tâm và trung thành bằng một vụ phạm pháp. Một khi đã phạm pháp rồi thì hồ sơ của kẻ đó sẽ bị vấy bùn, khó có thể mà làm phản hay quay gót trở về với con đường cũ của mình. Phần tôi, không biết chúng nó sẽ bắt tôi làm gì đây?

Tôi suy nghĩ một lúc và nhận ra rằng mũi tên đã được bắn đi, có muốn lấy lại cũng không được.

Ngay lúc ấy, có bàn tay từ phía sau vỗ vỗ vào vai tôi. Tôi quay lại. Thằng được ông Bob giới thiệu là Paul lúc nãy đưa cho tôi một cái phong thơ màu vàng, miệng cười cười:

- Nhân tiện Bob nói về CIA, ông bạn mở thử coi trong phong bì có cái gì...

Tôi lạnh lùng cầm lấy cái phong bì, mở miệng nó ra rồi trút nghiêng cho những gì trong phong bì rớt ra tay tôi. Ba bốn tấm hình chạy ra...

Nhìn thấy mấy tấm hình là điếu thuốc trên môi tôi rớt liền xuống khỏi miệng. Hơi thuốc vừa hút vào vội bay ngược trở ra làm tôi ho sặc sụa. Giữa cơn ho, tôi nghe được những tiếng cười của ba người ngồi trong xe: ông Bob, thằng Paul và Allen...

Trong tay tôi lúc ấy là bốn tấm hình trắng đen chụp theo thứ tự như sau: tấm thứ nhất chụp lúc tôi bắt đầu thẻ căn cước Việt Nam vào năm 18 tuổi; tấm thứ hai với cái đầu trọc lóc chụp ngày tôi trình diện đi lính ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung; tấm thứ ba với cặp lon chuẩn úy trên ngực ngày tôi về trình diện bộ Tư lệnh Không quân; và tấm cuối cùng, ngày tôi bị Quân cảnh Tư pháp Nha Trang câu lưu vì tội uống rượu, đánh lộn và bắn lộn.

Nhìn mấy tấm hình một lúc tôi thấy đùi mình nóng nóng mới giật mình nhớ ra điếu thuốc rớt xuống lúc nãy, vội vàng nhặt lên. Mồ hôi tôi toát ra đầy trán, không hiểu vì điếu thuốc hay vì sợ. Có lẽ vì sợ thì đúng hơn.

Tôi hỏi ông Bob giữa những tiếng cười:

- Mấy ông lấy xấp hình này ở đâu vậy?

- Dĩ nhiên là phải lấy từ một cơ quan tình báo của Mỹ. Nhưng chuyện đó không quan trọng. Cái quan trọng thằng Mark muốn chứng minh cho mày biết là bàn tay của gia đình Gardino rất dài. Nó có thể thò tới cơ quan CIA hay sở tình báo của bộ Quốc phòng.

Một thằng ngồi sau nói:

- Mr. Le, tụi tôi còn biết đủ những tật xấu của ông. Quả thật tật xấu thì không thể nào bỏ được. Ở Việt Nam ông chuyên môn uống rượu say sưa rồi oánh lộn, sang Mỹ này cũng như vậy. May mà ông Mark có nhiều cảm tình với ông chứ không thì cái vụ hộp đêm Bahama cũng đủ đưa ông vào nghĩa địa rồi...

Đây không biết là lần thứ mấy tôi nghe họ nhắc đến cái tên Mark Gardino. Một thằng ngồi bên cạnh lật lật mấy tờ giấy nghe soành soạch và đọc tiếp:

- Ông bị bắt ngày... tháng... tại Nha Trang bởi Quân cảnh Tư pháp vì tội uống rượu và chơi đĩ không trả tiền lại còn dàn cảnh đánh lộn, bị bắt ngày... tháng... tại Ban mê thuột vì uống rượu say bắn súng bừa bãi trong thành phố, súng bị tịch thu. Bị bắt ngày...

Đến đó thì ông Bob gắt:

- Thôi đủ rồi Allen...

Thằng khốn câm miệng. Thành thật mà nói, đi lính 5 năm, người ta thì đem về nhà không biết bao nhiêu là huy chương còn tôi thì dĩ vảng chả tốt đẹp gì, mỗi lần nghe lại đều thấy mắc cỡ. Tôi cảm thấy thắc mắc vì cái chuyện "điều tra dĩ vảng" ở Việt Nam mà tôi hoàn toàn không ngờ tới này. Nhưng, thành thật mà nói, sau bao nhiêu năm nhìn lại tấm hình mình chụp hồi 18 tuổi thấy cũng hay hay.

Một lúc sau, đưa trả mấy tấm hình rồi lắc đầu hỏi:

- Tôi không ngạc nhiên khi biết cơ quan tình báo Hoa Kỳ có những tấm hình này. Nếu bàn tay của mấy ông đã dài như vậy thì tại sao lại còn sợ tôi làm an ninh cho các cơ quan tình báo trên mà gởi người tới khảo sát tôi. Tôi nghĩ mấy ông phải biết chứ.

Ông Bob lắc đầu:

- Không. Đó là tất cả những tin tức mà tụi tao mua được về mày. Còn nhiều tin tức khác tụi tao biết có mà không thể nào mua được. Mày biết tụi CIA à, tụi nó chỉ bán tin những tin tức không cần thiết thôi... Hơn nữa, cái này là của CIA. Tụi FBI mới còn đáng sợ hơn nữa kìa.

Tôi mồi một điếu thuốc, tư lự nhìn ra ngoài. Mẹ kiếp, chưa bắt tay vào việc đã gặp toàn những chuyện bực mình. Tôi nhớ đến lời tiên tri của anh Báu mà thấy bực mình. "Cha nội Báu này chuyên môn nói xạo cho mình vui lòng. Tương lai sáng sủa đâu chả thấy, chỉ thấy hồ sơ quân bạ bị khui ra tùm lum. Toàn là nhưng chuyện bê bối..."

Có lẽ thấy tôi hơi bất mãn, ông Bob kiếm chuyện nói:

- Mày đừng có lo mấy chuyện nhỏ nhặt đó làm gì. Cách đây mấy chục năm, tao cũng bị điều tra y như mày. Đúng ra, mày phải mừng, bởi vì được điều tra kỹ là một dấu hiệu tốt. Mày sẽ có rất nhiều hy vọng được giao cho những công tác quan trọng.

Tôi không nói gì. Ông Bob lại tiếp:

- Bây giờ, để tao nói sơ qua về gia đình Gardino. Trước hết về "ông già". "Ông già" tức là ông trùm Buno Gardino. Trong gia đình tụi tao ai cũng gọi ổng là ông già -- The Old Man -- mày cũng tập gọi cho quen. Tụi tao gọi là ông già vì ổng... thuộc loại già, năm nay hơn 70 tuổi rồi...

Ông Bob mồi điếu thuốc, tiếp:

- Về gia đình Gardino, tóm tắt, gia đình Gardino là một gia đình... đáng kính. Ông trùm Buno Gardino, dĩ nhiên, người gốc Ý, di cư sang Mỹ khoảng năm 1915, lúc năm bảy tuổi gì đó. Mới đầu ổng và gia đình ở Nữu ước nhưng sang đến thời nước Mỹ bị khủng hoảng kinh tế, ổng dọn về Kansas City này sinh sống và tạo nên cơ nghiệp vĩ đại này...

Chiếc xe quẹo ra xa lộ, phóng về vùng ngoại ô. Ông Bob tiếp:

- Như đã nói, ông Buno Gardino mà tụi tao gọi bằng một danh từ thân mật và đáng kính là "ông già" có năm người con, 3 trai 2 gái. Ray Gardino là trưởng nam, kế đến là thằng Charlie Gardino, và thằng con trai út là Mark Gardino; 2 người con gái thì không có dính dáng gì đến công chuyện làm ăn của gia đình hết nên khỏi cần nhắc đến... Hai năm nay, sau khi ông già bị lên một cơn đau tim bất ngờ thì ổng quyết định từ từ giao công việc lại cho Mark Gardino. ồng đang huấn luyện cho Mark Gardino để thay thế ổng. Vì thế, mọi chuyện trong nhà bây giờ hầu hết đều do một tay Mark Gardino quyết định...

Một câu hỏi lóe lên trong đầu tôi. Cứ theo sự thường thì quyền thừa kế phải được giao cho cậu cả, tức là Ray Gardino. Nếu thằng Ray vì một lý do nào đó không nhận việc được thì phải giao cho Charlie, tại sao lại giao cho Mark? Điều này chứng tỏ có điều gì không ổn trong gia đình và sau này thì tôi mới biết được lý do nhưng lúc ấy thì không dám hỏi. Ông Bob tiếp:

- Tao tưởng cũng cần phải nói qua về thằng Mark cho mày hiểu. Mark là một thằng rất bén nhạy, tinh khôn, giận hờn ai không ai biết, dám chơi và chơi rất bạo... Tóm tắt, nó có đầy đủ một đức tính của một ông trùm. Cái nhược điểm của nó là nó còn trẻ, nhưng chuyện này không quan trọng, không thằng nào trẻ hoài. Từ từ rồi nói sẽ gây được uy tín.

Nói tới đó, ông Bob liếc xéo tôi rồi lắc đầu:

- Một điều quan trọng khác là thằng Mark, giống như ông già nó, rất ghét bọn rượu chè. Phần tao, tao rất ít khi thấy nó uống rượu. Ngày lễ lạc hay đêm tất niên mới nhắm một chút, một ly là hết cỡ... Mày phải cẩn thận về vấn đề rượu chè của mày. Đặc biệt uống rượu say rồi còn gây rối như cái kiểu ở Việt Nam hay ở hộp đêm Bahama tối hôm nào thì nguy hiểm vô cùng.

Tôi không hỏi nhưng biết chắc nếu muốn mướn tôi thì thằng Mark phải đã đọc kỹ hồ sơ của tôi rồi. Tôi gật đầu, cảm thấy mắc cỡ vì cái tật nát rượu của mình. Ông Bob tiếp:

- Từ bây giờ cho đến lúc trình diện thằng Mark, mày tuyệt đối không được sờ đến rượu. Trưa nay đi ăn trưa phải tập uống... coca cho quen. Và nên nhớ, khi mày nhận công tác, chớ có dại mà rờ đến rượu hoặc bia. Công tác làm hư vì tai nạn hay vì thiếu khả năng thì có thể tha thứ được chứ làm hư vì rượu thì sẽ bị trừng phạt nặng nề. Tao nói nặng nề ở đây là mày phải đem cái mạng mày ra mà đền đó chứ không chơi đâu. Mày hiểu không?

Tôi gật đầu:

- Đã ngồi đây với ông là chấp nhận mọi thứ rồi.

Ông Bob ngưng một lúc rồi đột ngột quay nhìn tôi nói một câu làm tôi ngạc nhiên:

- Ông già có nghe tới tên mày.

Tôi giật mình:

- Ông trùm Buno Gardino? Tại sao?

Ông Bob gật đầu:

- Đây là một chuyện lạ. Thường thường thì những thằng tép riu như mày hoặc ngay cả tao đi nữa, ông già ít khi biết tới, nhất là trong giai đoạn nửa hưu trí của ổng. Nghe thằng Mark nói là hình như ông già ổng rất thông cảm cái vụ miền Nam Việt Nam của mày bị thua trận. Thằng con rể của ổng đánh giặc, chết ở Việt Nam...

Dĩ nhiên, dù chưa gặp ông trùm lần nào nhưng nghe như vậy thì tôi thấy có cảm tình liền. Tôi nói:

- Chiều nay tôi có được gặp ông già để nói chuyện không?

- Cái đó thì tao không biết vì đã từ lâu ông già rất ít xuất hiện. ồng chỉ muốn vui chơi với mấy đứa cháu và vườn tược thôi. Mỗi buổi sáng lại còn đi lễ nhà thờ nữa... Nhưng đặc biệt hôm nay, tao nghe nói ông già phải phụ thằng Mark để tiếp một phái đoàn rất quan trọng của gia đình Barconini tới bàn chuyện làm ăn... Tao không biết là chuyện gì nhưng ngày hôm nay là một ngày rất bận rộn của gia đình Gardino. Ngay cả thằng Mark, tao nghĩ mày cũng chỉ gặp được nó chừng 5 phút là nhiều lắm.

Càng tốt, gặp ai chứ gặp "quan quyền" thì càng ngắn càng tốt. Ngày xưa ở Việt Nam tôi đã sợ gặp xếp lớn, bây giờ cũng vẫn vậy.

Sau câu đó, ông Bob im lặng lái xe. Trong đầu tôi còn vài câu hỏi nhưng không tiện hỏi ra như, quan trọng nhất, chuyện cây súng của tôi và thằng Jay. Ông Bob đã hứa sẽ tìm cách giải quyết mà mãi đến bây giờ vẫn chưa thấy gì. Sau đó, việc lương lậu của tôi sẽ được quyết định ra sao? Trả lương tháng, lương tuần, lương giờ hay theo từng công tác giao phó? Rồi những công tác mà tôi sẽ được giao phó là gì, quan trọng đến cỡ nào?

Tôi nhớ, tối hôm qua tôi có đặt vấn đề này với ông Bob nhưng chưa nghe thấy ông nhắc đến. Cuối cùng, cũng quan trọng không kém, "sở trường" của gia đình Gardino là gì? Theo chỗ tôi biết, thường thường, mỗi gia đình mafia phụ trách một lãnh vực khác nhau như có gia đình thì làm nghề chứa đĩ, nấu rượu lậu, cho vay, chứa sòng bài, buôn bán bạch phiến hoặc giết mướn, v.v. Gia đình này thuộc loại nào? Gì không biết nhưng tôi sợ nhất là bạch phiến.

Tôi nhăn mặt lại khi nghĩ đến đó. Thôi kệ, chuyện gì đến thì cứ để nó đến, lo nghĩ làm gì cho mất công. Nghĩ thế là tôi ngã người ra sau, nói với ông Bob:

- Ông lái xe để tôi ngủ chút. Tối hôm qua tôi ở nhà Linda tới sáng mới về.

Ông Bob quay nhìn tôi:

- Mày mết con nhỏ đó thật à.

Tôi gật đầu. Ông Bob nói:

- Mày muốn tụi tao giúp cho một tay không? Tụi tao có thể làm cho thằng chồng nó ly dị, v.v.

Tôi lắc đầu:

- Không! Chuyện này là chuyện riêng, tôi lo được. Cám ơn ông.

Ông Bob nhún vai:

- Trước khi mày ngủ, tao tưởng cũng cần thông cáo cho mày biết là thằng Jeff chồng Linda sẽ về nhà chiều nay. Nó đã rút lại tất cả những lời khai với cảnh sát rồi. Hồ sơ của mày đã đóng.

- Hay thật. Cám ơn các ông.

- Ơn nghĩa gì, đó là món quà nhỏ của Mark Gardino...

- Tôi làm gì mà Mark có vẻ tốt với tôi quá vậy?- Trong xã hội của người Ý, người ta thường làm ơn cho nhau như vậy. Làm ơn qua rồi làm ơn lại là chuyện xã giao rất thường của xã hội tụi tao... Có một điều tao cũng muốn nói thêm với mày là đối với tụi tao, lời cám ơn suông không có ý nghĩa gì hết. Lời cám ơn thường phải đi kèm theo một cái gì đó thì mới có ý nghĩa.

Lúc ấy tôi không có thì giờ để nghĩ tới câu trả lời này. Mãi trưa hôm đó, khi đụng chuyện thì tôi mới nhớ lại. Tôi nói:

- Người Việt Nam tụi tôi cũng vậy. Nhưng phải cám ơn ông, tôi được để ý là cũng nhờ ông.

- Không, thằng Mark nó có cái mũi thính lắm. Có thể thính hơn ông già. Tai nó chỉ nghe qua một cái là mũi đánh hơi trúng mùi liền. Mũi không thính thì không leo lên tới chức vụ chóp bu trong gia đình này được. Người ta đồn là nó biệt tài có thể ngữi thấy... trước những gì sẽ xảy ra trong vòng hai năm...

Tôi vừa ngã người ra nệm xe, nhắm mắt chưa kịp bao lâu thì ông Bob rẻ xuống một exit, cho xe chạy vào một thành phố nhỏ. Mấy cú quẹo gắt làm người tôi bị đẩy vào thành xe, đánh thức tôi dậy.

Tôi nhỏm người lên, sửa lại thế ngồi và mồi một điếu thuốc. Ông Bob lái xe vào ngang hông một tiệm McDonald mua cho mỗi người một ly cà phê.

Ly cà phê tôi vừa uống được một nửa thì chiếc xe ông Bob lái tự nhiên bỗng chạy chậm lại.

Ông chỉ một căn nhà phía trước mặt, nói với tôi:

- Mày có thấy cái nhà có tường xây gạch đỏ ở phía bên tay phải không.

Tôi nhìn rồi trả lời:

- Thấy. Phải cái nhà có treo bảng "có chó dữ" không?

- Đúng. Nhớ quan sát cho kỹ căn nhà đó...

- Để làm gì?

Ông Bob lắc đầu không nói gì. Dù không biết gì nhưng nghe lời ông Bob, tôi cũng để mắt quan sát căn nhà khi chiếc xe chạy qua. Một lúc, ông Bob nhấn thêm ga lấy lại tốc độ bình thường của chiếc xe rồi quẹo sang một khúc rẻ.

Ông nói:

- Nhà đó là của một thằng tên Deon. Deon có một thằng con trai mất dạy tên cũng tên là Deon, người Mỹ thường gọi là Deon nhỏ. Năm nay nó khoảng 20 tuổi. Thằng này suốt ngày không lo làm ăn, chỉ đi ăn trộm và phá phách hàng xóm...

Tôi gật gù cái đầu, nhớ lại hình ảnh của chính mình hồi còn nhỏ. Tôi cũng lớn lên, học hành chẳng lo, chỉ lo đàn đúm và phá phách hàng xóm. May mà tôi tình nguyện đi lính chứ không thì giờ này cũng chưa biết mất xác nơi đâu.

- Cách nhà cha con thằng Deon mấy căn là nhà của một người tên là Troy. Troy Delirio.

Ông Bob chợt cười hì hì khi nói tới đó rồi tiếp:

- Chuyện ông Troy cũng hao hao giống chuyện của mày... Ông Troy về hưu rồi, con cái đi hết, chỉ còn hai vợ chồng già ở nhà với... một chiếc xe hơi cũ. Một buổi sáng hai vợ chồng ông Troy lái xe ra đi nhưng đề xe không được. Ông Troy mở cốp xe và nhận ra xe không đề được là bởi vì cái bình điện xe hơi đã bị một thằng khốn nạn nào gỡ mất...

Ông Bob lại bẻ lái chiếc xe ở một góc đường, trở lại còn đường lúc nãy.

- Ông Troy buồn lắm, bèn gọi cảnh sát tới. Cảnh sát tới, hỏi vài câu, ghi chép xong rồi bỏ đi. Ông Troy ra ngoài tiệm mua một cái bình điện mới đem về lắp vào. Xe chạy được hai ngày. Ngày thứ ba, ông ra xe đề máy và lại khám phá ra cái bình điện mới không cánh mà bay nữa. Ông lại gọi cảnh sát. Và mọi thủ tục lại diễn ra như cũ... Thế là ông Troy lại ra chợ một cái bình điện mới khác. Lần này ông khôn hơn, mua một sợi dây xích, khóa mẹ nó cái nắp máy xe lại. Nhưng cái khôn của ông, xét cho cùng cũng không khôn lắm vì chỉ ba ngày sau, sợi dây xích bị cắt đứt và cái bình điện lại bị mất. Thằng khốn nào đó còn chơi cắt cớ, viết lại mấy chữ trên tấm kiếng xe: "Lần sau nhớ xài loại xích to hơn."

Xe lại đi ngang nhà cha con thằng Deon. Lần này tôi để ý quan sát kỹ hơn một chút. Xe qua khỏi, ông Bob lại nhấn ga, nói:

- Thế là cảnh sát được kêu tới. Mọi chuyện lại diễn ra như cũ. Ông Troy lại ra tiệm mua một cái bình điện mới và lần này, thay vì mua thêm một sợi dây xích như lời đề nghị, ông Troy lại mua một khẩu súng và một ký cà phê. Mày biết cà phê để làm gì không?

- Để uống mà thức canh thằng chó đẻ.

Ông Bob cười hì hì:

- Đúng. Mày có kinh nghiệm chuyện này rồi nên biết rõ. Hai ngày sau, vào lúc khoảng 3 giờ sáng ông nhìn thấy một thằng thanh niên mò tới xe ông. Ông Troy khôn lắm. Ông chờ cho nó mở nắp xe ra, trong lúc đang hì hục với cái bình điện thì ông Troy xông ra chĩa súng vào đầu nó. Ông nhận ra ngay thằng ăn trộm chẳng ai khác hơn là thằng Deon Junior hàng xóm. Ông tưởng thằng khốn nạn sẽ quì xuống xin lỗi và chịu tội với ông nhưng nó lại... sửng cồ với ông. Nó hỏi ông làm gì mà chĩa súng vào người nó.

Nghe tới đó tôi bung ra một tiếng chửi thề. Ông Bob cười:

- Bình tĩnh lại mày, để tao kể tiếp... Nó nói nó đi ngang đây, thấy nắp xe đã mở nên tò mò tới coi thì bị ông nhảy ra chĩa súng. Nói xong nó bỏ đi. Ông Troy kêu nó tốp lại, nó không thèm trả lời, lại còn thách thức: "Có ngon thì bắn đi, tôi kiện ông sặc máu."

Ông Bob ngừng ở đó, mồi một điếu thuốc rồi lắc đầu tiếp:

- Nhưng thằng này lầm. Với một ông già đã bị mất ba cái bình điện liên tiếp thì ông dám bắn thật. Ông nổ hết sáu phát trong ổ súng nhưng chỉ có một viên bắn trúng vào đùi nó. Vết thương rất nhẹ, đạn chui vào và chui ra ngay, chảy máu một chút xíu. Thằng khốn nạn được đưa vào nhà thương băng bó rồi về nhà ngủ tiếp, nhưng ông Troy tối đó phải ngủ trong tù vị tội cố sát.

Tôi lại chửi thề:

- Chuyện phi lý.

- Không phi lý đâu. Luật ở nước Mỹ này không cho anh giết người dù người đó là thằng ăn cướp. Hơn nữa, nếu chiếc xe của ông Troy mà đậu trong garage nhà mình thì chuyện đã hơi khác. Tiếc rằng ông lại đậu trước nhà. Dù là trong đất của mình nhưng đậu khơi khơi lộ thiên như vậy thì những gì thằng Deon con khai với cảnh sát rất là có lý. Ông Troy đúng là kẻ sát nhân.

- Nhưng rồi mấy cái bình điện bị mất thì sao?

- Không ai có bằng chứng gì về việc thằng Deon con ăn cắp bình điện, nhưng một phát đạn vào đùi và cây súng mà cảnh sát tịch thu được trong tay ông Troy đủ bằng chứng để đưa ông vào khám lãnh một cái án chừng 30 năm. 30 năm trời với một ông già như vậy thì có khác gì chung thân.Tôi lại chửi thề.

Ông Bob liếc nhìn tôi:

- Mày có ý kiến gì không?

- Hồi nãy, ông nói rằng hai người bạn sau đây sẽ thử tôi coi thử tôi có phải là người của FBI hay CIA gài vào, vậy có phải vụ này là vụ thử không?

Một thằng ngồi phía sau lên tiếng:

- Mr. Le, ông thật là một người thông minh. Đúng ra thì nó như vậy. Tôi cũng xin nói thêm rằng với bạn rằng ông Troy là một người quen biết với ông già. Và Mr. Le, bạn biết, ông già không bao giờ bỏ bạn mình, đặc biệt bạn già. Sẵn dịp hôm nay là ngày đầu tiên bạn đến với gia đình Gardino, ông già muốn gởi chúng tôi tới đây gặp bạn để coi thử bạn có giúp gì được cho ông già không.

Tôi quay lại hỏi:

- Nhưng ông già có thế lực, tại sao không làm áp lực để thằng Deon con rút đơn kiện đi.

Thằng Paul nhún vai:

- Bạn tin tôi đi. Chúng tôi đã nói chuyện với nó, đã thuyết phục nó, nhưng nó là một thằng cứng đầu...

Allen, thằng cô hồn ngồi bên cạnh lắc đầu phụ họa:

- Mr. Le, ông biết bọn trẻ bây giờ, chúng nó chẳng những ngu mà lại còn cứng đầu, mình không lý luận phải trái gì với nó được cả. Tụi này cũng đã đề nghị đưa cho nó vài ngàn đô la để nó rút lại lời kiện, nhưng nó đòi tới một triệu đô. Jesus... một triệu đô la, Mr. Le nghĩ coi, tụi nó có khùng không? Tụi này cũng đã hăm dọa hăm nó nhưng Mr. Le biết, mấy thằng điếc có bao giờ biết sợ súng... Tóm tắt, chúng tôi đã thử hết cách nhưng chẳng có kết quả. Vì thế ông già mới nhờ tụi tôi nói chuyện với Mr. Le coi thử Mr. Le có giúp được gì không.

Tôi giật mình vì sự khéo léo, khiêm nhường và tế nhị của ông trùm mafia Buno Gardino. Ông ta là một ông trùm thế lực bao trùm khắp mấy chục thành phố miền trung Mỹ, tôi là một thằng tị nạn hạng bét, lại chưa biết gì về việc của thế giới đen mà ông lại cho người nói với tôi rằng ông muốn nhờ tôi "coi có giúp được gì” cho ông ta không?

Tôi phải học sự khéo léo này.

Tôi nhắm mắt lại suy nghĩ. Từ lúc trước khi nhận việc, tôi đã sợ phải giết người. Nhưng trường hợp này thì hơi khác. Đã từng bị rạch vỏ xe nên tôi cảm thấy thông cảm với ông già Troy vô cùng. Hơn nữa, truyền thống của người Á đông mình vốn kính trọng những người già, những người cô đơn thất thế. Trường hợp này mà không... bắn thì chờ đến chừng nào mới bắn?

Tôi cảm thấy phấn khởi trong lòng khi nghĩ đến đó. Hơn nữa, dù với những lời nói lịch sự của hai thằng đại diện ông trùm, tôi biết đây chỉ là một vụ thử thách. Nói nghe thì nhẹ nhàng vậy nhưng nếu tôi không giúp thì có thể sẽ bị đạp xuống khỏi xe ngay.

Đã thế thì tôi phải biểu diễn tài nghệ của tôi cho bọn mafia chuyên nghiệp này lé mắt. Tôi gật đầu, nói với Allen một cách cương quyết:

- Tôi sẽ giúp ông trùm.

Nghe nói như thế thì mặt mũi của cả hai thằng cô hồn lẫn ông Bob cùng sáng lên một lần. Allen nói, giọng thay đổi hẳn:

- Chúng tôi xin ghi nhớ chuyện này.

Tôi quay nhìn ông Bob:

- Tôi quyết định rồi. Ông tính giải quyết thằng này như thế nào?

Ông Bob nhún vai:

- Tụi tao đã có cách giải quyết rất hay, nhưng phải cần tới một thằng cỡ như mày mới làm được chuyện lớn.

- Khỏi cần khen nữa! Ông nói tôi nghe đi.

- Mày tính từ trong chiếc xe đang đi ngoài đường như thế này, mày có thể phơ trúng một thằng đang ngồi trong nhà không?

Tôi cười:

- Dễ như ăn cơm. Ông muốn tôi phơ vào mắt trái, mắt phải hay vào... dái nó.

Nói xong thì tôi cười hì hì, quay mặt lại nhìn ra phía sau để tìm tiếng cười phụ họa nhưng không nghe.

Ông Bob nói:

- Lát nữa khi đi ngang nhà nó một lần nữa, mày để ý nhìn vào cánh cửa sổ thứ hai kể từ cửa chính. Đó là phòng nó. Thằng này có cái tật luôn luôn nói chuyện điện thoại trong phòng riêng. Tụi tao sẽ thả một thằng xuống gọi điện thoại cho nó, cà kê dê ngổng để tụi mình lái xe tới. Đi ngang nhà nó, mày vẫn ngồi yên trong xe, nổ một phát chính xác vào giữa trán nó là xong việc lớn.

Tôi nói liền:

- Tại sao chỉ một phát? Nếu nổ thì nổ hai phát luôn.

- Tùy ý mày.

- Vậy thì làm liền đi.

Xe đi ngang nhà nó một lần nữa. Tôi để ý nhìn vào, ước lượng khoảng cách từ ngoài xe vào tới bên trong phòng ngủ thằng Deon con và thấy chắc ăn vô cùng. Khoảng cách này chứ xa hơn gấp ba lần thì tôi cũng bắn được chính xác như cầm bi bỏ vào lỗ.

Ông Bob thắng xe lại ở một trạm điện thoại công cộng. Paul leo xuống dở ống nói lên, bỏ tiền và quay số.

Sau khi chuông reo vài lần, chúng tôi nghe thấy Paul bắt chuyện với ai đó trong điện thoại. Hắn nói vài câu rồi nhìn ông Bob gật đầu. Chỉ chờ có thế, ông Bob nhấn ga xe. Tôi móc cây 9mm trong bụng ra lên đạn soạt một tiếng, nói với ông Bob:

- Khi đi ngang đó, ông nhớ giữ tốc độ đừng thay đổi giùm tôi là ăn tiền. Tôi sẽ nổ bay cái sọ khỉ của thằng chó đẻ.

Ông Bob gật đầu...

Xe quẹo vào con đường nhà cha con thằng Deon, tôi nhẹ nhàng để súng trên đùi mình và từ từ quay cửa kiếng xe xuống. Tôi nghe được tiếng thở phì phì vì hồi hộp của thằng Allen phía sau. Hình như ông Bob cũng thở phì phì nữa. Phần tôi, quái lạ, tôi vẫn tỉnh bơ y như người ngồi xe đi chợ mua đồ.

Xe chạy gần tới nhà thằng Deon, tôi xoay người ra sau để chuẩn bị cho thế bắn sắp tới... Xe chạy ngang nhà nó, tôi đưa cây súng lên và toan nhắm nhưng phải ngừng lại...

Có thấy gì đâu mà nhắm. Thằng Deon con hay ai đó đã bỏ tấm màn cửa sổ xuống.

Cả ba người trong xe, tôi ông Bob và thằng Allen cùng văng tục chửi thề cùng một lúc. Không hiểu sao tôi nhớ tới cái chết của thằng Rao và thầm nhủ: "Thằng này chắc chưa tới số chết."

Ông Bob nhấn ga cho xe chạy. Tôi nói, giọng hơi bất mãn:

- Trở lại một lần nữa coi.

Ông Bob quẹo xe, không nói gì. Nhưng lần này cũng như lần trước, cái màn cửa quái ác trong phòng ngủ thằng Deon con vẫn còn phủ kín lấy căn phòng nó. Ông Bob lái xe tới chỗ trạm điện thoại thằng Paul. Paul lúc này đã hết nói chuyện với thằng Deon, và hình như cũng đã biết chuyện gì xảy ra nên nhìn chúng tôi lắc đầu. Nó phóng lên xe nói như để thanh minh thanh nga.

- Tôi không thể nói chuyện điện thoại với nó lâu hơn được. Nó bắt đầu nghi.

- Đó là lý do nó bỏ cái màn cửa xuống phải không?

Paul gật đầu. Allen nói với tôi:

-Mr. Le, đây là một chuyện lạ lùng. Tụi này đã quan sát không biết bao nhiêu lần, có bao giờ thấy nó bỏ cái màn cửa xuống như vậy đâu?

Paul nhắm mắt có vẻ suy nghĩ:

- Khó hiểu thật. Ngay cả lúc nãy nói chuyện trong điện thoại với tôi cũng vậy... Từ lúc nói biết tôi tới giờ, có bao giờ nó nghi ngờ gì đâu. Nó cứ tưởng tôi là một thằng bán xì ke hạng sang. Tự dưng nó đâm ra nghi ngờ tôi, hỏi đủ thứ câu hỏi lạ lùng...

Mãi sau này tôi mới hiểu được lý do tại sao thằng Deon con lại nghi ngờ bất tử. Và chuyện này tôi sẽ nói sau.

Mọi người trong xe đang còn bàn tính thì tôi cắt đứt lời họ, nói với ông Bob:

- Ông trở lại một lần nữa cho tôi coi.

Ông Bob ngần ngừ. Hình như mọi người ai cũng ngần ngừ cả, không phải chỉ riêng ông. Tôi trừng mắt với ông Bob, nói tiếp:

- Ông trở lại đi, tôi nói tôi sẽ bắn thằng này được.

Thấy tôi cương quyết quá, ông Bob gật đầu sang số xe nhưng lại nói:

- Tao cũng chiều mày nhưng đây là lần cuối cùng, nếu không được thì hôm khác trở lại vẫn còn kịp. Nãy giờ mình vòng đi vòng lại nhiều quá rồi, thiên hạ sẽ nghi. Hơn nữa, hôm nay mình có nhiều việc cần làm.

Tôi thấy ông Bob cũng có lý nên không nói gì. Thằng Paul hỏi:

- Mr. Le tính thịt nó bằng cách nào?

Tôi trả lời mập mờ:

- Tới đó rồi biết.

Chẳng bao lâu chiếc xe đã xề xề gần tới nhà thằng Deon. Từ xa, tôi đã nhìn thấy cái màn cửa vẫn còn phủ xuống. Tôi nhét cây súng vào bụng mình, nói:

- Ông thả tôi xuống gần nhà nó rồi trở lại đón tôi.

Cả ba người trong xe chưa hết ngạc nhiên thì tôi đã mở cửa bước xuống, không nói thêm lời nào...

Tôi tỉnh bơ bước trên cỏ, tiến tới nơi cửa sổ phòng thằng Deon con, gõ gõ vào cánh cửa sổ mấy cái rồi chờ đợi. Tôi xoay người quan sát chung quanh một vòng, tròn miệng lại huýt gió điệu "Cầu sông Kwai" để giữ bình tĩnh.

Tứ bề bắng lặng. Tốt.

Quả đúng như ý tôi đoán, chỉ một lúc sau là cái màn cửa sổ mắc dịch hé mở, để lòi ra một cái đầu. Tôi mừng như mở cờ trong bụng. Thế là mày trúng kế thằng tị nạn Việt Nam rồi con ơi.

Khuôn mặt tôi nhìn thấy sau tấm kính cửa sổ là một khuôn mặt trẻ măng, có vẻ rất xấc láo. Và dù chưa hề biết mặt nó, tôi cũng đoán ra bộ mặt này thì chỉ là bộ mặt của mấy thằng đi ăn cướp vặt, đi tháo bình điện xe hơi và đục vỏ xe bất tử. Bộ mặt đáng khinh của những thằng đi ăn hiếp người yếu thế. Bộ mặt của thằng Deon con đây chớ ai nữa.

Nhanh như chớp, tôi lùi lại một bước, cây 9mm như mọc cánh bay bay vào tay tôi. Trước khi thằng Deon con có một phản ứng gì, trước khi nó mở miệng nói được một tiếng, tôi đã để hai phát súng 9mm chính xác vào ngay giữa trán nó. Hai phát đạn đục hai cái lỗ gần nhau đến độ hầu như chồng lên nhau.

Cây súng bay ra rất mau và chui trở lại vào bụng tôi cũng rất lẹ. Tôi xoay người một vòng 360 độ để quan sát chung quanh rồi tà tà cất bước, khỏi cần để ý tới thằng khốn nạn đã chết như thế nào. Tôi lại trọn miệng huýt gió điệu nhạc "Love Story" mà trong lúc rảnh rổi, bọn phi công chúng tôi đã sửa lời lại như sau: "Biết …thì mày nói biết, còn mày cóc biết xin hãy im mồm và đừng nói nữa..."

Đó là nạn nhân thứ hai của tôi.

Đi bộ ra tới cuối con đường, ông Bob rề xe tới. Tôi phóng lên và thấy mọi người trong xe đều nhìn tôi bằng cặp mắt thán phục. Ông Bob nói:

- Mày bắn súng như thần.

Thằng Paul ngồi phía sau đưa tay lên bắt tay tôi, giọng không giấu được nỗi hân hoan:

- Tôi sẽ trình bày đầy đủ chuyện này cho ông già biết. ồng sẽ nhớ ơn Mr. Le một cách đặc biệt. ồng không phải là một người dễ quên ơn.

Thằng Allen xúc động:

- Mr. Le, ông là một thiên tài...

Giữa những lời khen ngợi và chúc tụng đó, tôi chỉ nhún vai, hỏi:

- Mấy ông thấy hết rồi hả.

- Phải. Ông làm nhanh quá, gọn quá, ngay cả chúng tôi cũng ngạc nhiên. Ông mới vô nghề mà như thế thì chỉ trong vòng vài năm, ông sẽ làm bá chủ thiên hạ.Tôi khiêm nhường, cái khiêm nhường giả tạo:

- Tôi chỉ là người Việt Nam tị nạn. Tôi chẳng muốn làm bá chủ ai hết. Bây giờ mình đi đâu?

Ông Bob nhìn tôi cười:

- Mày làm xong một việc để giúp ông già. Mày nghĩ sao nếu tao đề nghị mày làm một việc nhỏ để lấy điểm thằng Mark.

Tôi không trả lời câu hỏi của ông Bob mà lại hỏi lại:

- Mấy ông bây giờ chắc tin là tôi không phải là người của FBI hay CIA rồi phải không?

Cả Paul lẫn Allen đều lắc đầu:

-Ồ, không, không, tụi này rất tin tưởng Mr. Le.

Tôi trả lời, đúng giọng một dân anh chị chuyên nghiệp của Mỹ: - I like that.

/9

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status