Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn

Chương 5

/10


Khi bạn đau lòng, đừng ngại rơi nước mắt

Điều duy nhất giúp cái ác chiến thắng là những người tốt không làm gì cả.

EDMOND BURKE

Đó là một bộ phim hoạt hình, một siêu nhân đang đẩy một siêu nhân khác rơi xuống vực. Con trai tôi cau mày hỏi: “Đó là siêu nhân xấu hay siêu nhân tốt?”. Tôi trả lời: “Đó là siêu nhân tốt”. Mặt bé dãn ra tỏ vẻ yên tâm. Và hài lòng. Một siêu nhân tốt đẩy một siêu nhân xấu rơi xuống vực thì không có gì là đáng buồn. Trong những bộ phim hoạt hình, cái ác chưa bao giờ chiến thắng.

Tôi ngắm nụ cười hồn nhiên và chợt băn khoăn, cậu bé của tôi đã sẵn sàng chưa, để nghe rằng cuộc sống phức tạp hơn thế? Cậu đã sẵn sàng chưa để tôi có thể nói rằng xấu và tốt không phải là hai chiếc sọt để chúng ta có thể phân loại con người. Nếu xấu và tốt là hai mặt của một bức tường, thì chúng ta, đa số đều đang bước chênh vênh trên bức tường đó. Sống là giơ tay ra để giữ thăng bằng. Vì vậy phải chú ý đến hành vi, bất kể ta là ai. Xấu và tốt là những gì xảy đến trong từng hành vi. Thậm chí, trong động cơ của từng hanh vi đó. Bởi thế đừng quá tự tin vào mình. Đừng tin rằng mình mãi mãi là người tốt.

Chúng ta là người tốt, điều đó có nghĩa ta có khuynh hướng thực hiện và tin tưởng điều tốt, nhưng không có nghĩa là ta vĩnh viễn tốt. Và ngược lại. Đó là lý do những tội phạm có thể hoàn lương. Và dó cũng chính là lý do có những người rất hiền lành bỗng dưng trở thành tội phạm. Như trong vở kịch Hamlet của Shakespeare: “Một người có thể mỉm cười, rồi lại mỉm cười, và trở thành một kẻ hung ác”.

Chúng ta là người tốt. Nhưng có lúc chúng ta cười cợt trước một người điên. Chỉ một lần thôi. Chúng ta lạnh nhạt trước một lời cầu xin giúp đỡ. Chúng ta tỏ vẻ ghê sợ một người tàn tật. Ta dửng dưng trước một số phận xa lạ nào đó. Ta lợi dụng óc thông minh của mình để đẩy phần thiệt về phía người khác. Một lần thôi. Chỉ một lần ta bỏ phiếu chống lại sự chính trực. Và ta tự nhủ chung quy mình vẫn là người tốt. Chỉ một hành vi nho nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến cuộc chiến Thiện - Ác.

Có thật vậy không? Tôi tự hỏi.

Những tin tức trên báo nhiều khi làm ta nổi giận và đôi lúc, khiến ta bi quan. Người ta giết nhau, chà đạp nhau, lừa gạt nhau, phản bội nhau, người ta hành hạ những đứa trẻ, xua đuổi các cụ già, ăn chặn của kẻ nghèo khó hơn mình. Những yêu thương, chia sẻ của ta như hạt cát ném vào không trung, quá nhỏ bé trước nỗi bất hạnh của người khác.

Có người cho rằng con người đang trở nên vô cảm hơn. Nhưng tôi không muốn tin như vậy. Chúng ta chỉ dễ hoài nghi hơn. Như Mạnh Tử nói “Vô trắc ẩn chi tâm phi nhân dã” - không có lòng trắc ẩn không phải là người vậy. Dù rằng lòng trắc ẩn không đem lại cho chúng ta niềm vui mà chỉ khiến ta cảm thấy đau nhói trong lòng, khiến ta thấy mình bất lực, thất bại. Khiến ta thấy mình như kẻ thua cuộc trước cái ác và những điều đau khổ. Nhưng không ai không có lòng trắc ẩn. Nó là một gánh nặng mà trái tim ta phải mang khi ta là một con người.

Nhưng thực tế, nhiều khi ta không bày tỏ lòng trắc ẩn bằng hành động, thậm chí, bằng những giọt nước mắt. Cả bạn, cả tôi. Vì bận rộn, vì lơ đễnh, vì ích kỉ? Có lẽ. Nhưng tôi cho rằng chủ yếu vì lý do này: Chúng ta không tin rằng hành động của mình sẽ đem lại một kết quả rõ rệt. Rằng giọt nước mắt chẳng làm nên điều gì khác biệt. Rằng mọi việc ngoài tầm tay của ta.

Tôi biết, thế giới đầy những cuộc bầu cử gian lận. Ở đó, có những lá phiếu không được tính. Nếu bạn biết lá phiếu của mình là vô nghĩa, hẳn bạn không muốn đi bỏ phiếu hoặc không thực sự bỏ phiếu. Cũng như trong cuộc đời. Một bữa ăn cho trẻ lang thang và hôm sau đứa bé tiếp tục đói. Quét vài đống rác và hôm sau người ta tiếp tục xả. Nếu người ta tin rằng việc làm tốt của mình không thực sự có ý nghĩa, không thể tạo nên một thay đổi khả dĩ cho tình cảnh, người ta sẽ không muốn phí thời gian để thực hiện nó. Nếu ai đó tin cái Ác sẽ thắng, họ sẽ không muốn đấu tranh cho cái Thiện.

Nhưng may mắn thay, tất cả chúng ta đều biết rằng cuộc chiến chưa bao giờ kết thúc. Đó là lý do khiến chúng ta phải tự hỏi mình mỗi ngày: Hôm qua ta đã bỏ phiếu cho ai? Hôm nay ta sẽ bỏ phiếu cho ai? Ta muốn ai chiến thắng?

Chúng ta đang sống trên cùng một hành tinh. Chúng ta đang sống chung thời đại. Một cuộc tồn tại vĩ đại. Mỗi hành tinh nhỏ mà chúng ta tương tác với nhau đều tạo ra những lan truyền. Một đứt gãy nơi này có thể khiến nơi khác rung chuyển. Một con động đất ở nơi này có thể dẫn đến cơn sóng thần ở nơi khác. Theo cách đó, giọt nước mắt của bạn sẽ nuôi dưỡng lòng trắc ẩn nơi bạn, và đánh thức lòng trắc ẩn nơi người khác.

Cái ác, cũng như sự chết, vẫn diễn ra rải rác khắp nơi, ngay lúc này, kể cả khi ta không nhìn thấy nó. Bạn nhìn thấy nó thường xuyên, điều đó chưa chắc có nghĩa là nó nhiều hơn. Bạn không nhìn thấy nó, cũng chưa hẳn là nó đã ít đi. Và giảm thiểu cái ác, xoa dịu tổn thương, không chỉ là nghĩa vụ của một đất nước, một thế hệ, một nền giáo dục riêng lẻ mà mãi mãi là vấn đề của toàn nhân loại, và đồng thời của từng con người một, trong từng giây ta sống.

Có lẽ, không có cuộc “tranh cử” nào công bằng và sòng phẳng hơn cuộc đua giữa Thiện và Ác. Chúng ta không biết cuộc tranh đua sẽ kéo dài bao lâu nhưng chắc chắn ở đó mỗi lá phiếu đều được tính. Giọt nước mắt và nụ cười của ta được tính. Sự phẫn nộ hay thờ ơ của ta được tính. Mỗi hành vi của ta đều được tính.

Điều ta làm hôm nay, ngay lúc này, hoàn toàn có thể trở thành lá phiếu quyết định.

Khi ấy, một người đàn ông sẽ ra đời

Phải làm gì đây khi cô bạn gái mình đang để ý ngang nhiên “phán” rằng bạn là chàng trai “đã thành niên mà chưa trưởng thành”, trong khi cô ấy chào đời sau bạn tới… mười ba tháng? Đau quá!

Phải, tôi hiểu bạn. Đau lắm!

Đối với nam giới, được công nhận là “đã trưởng thành” chính là thành công đầu tiên cần phải đạt được, trước mọi thành công khác. Nghĩa là anh phải trở thành “một người đàn ông chân chính” trước khi trở thành bất cứ thứ gì khác trong đời.

Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, cũng là một nhà khoa học Việt sống tại Nhật đã viết về ngày trưởng thành của con trai mình như thế này:

“Trong ngày trưởng thành, các bạn Nhật của con đeo cà vạt, vận kimono, tập trung tại tòa thị chính, nghe ông thị trưởng giảng đạo dức. Sau đó chúng kéo nhau đi Shibuya và Harajuku, hát karaoke, rồi uống rượu say khướt. Trong ngày trưởng thành, ký túc xá của con chìm trong đêm rét buốt, tuyết dày một mét phủ ngoài sân. Con ngồi trong phòng, trước laptop, thiết kế một tòa nhà dựng trên sa mạc Sahara”.

Đối với người này, sự trưởng thành nghĩa là được phép uống rượu say khướt, còn với người khác, nó nghĩa là bắt đầu hiện thực hóa một ước mơ.

Với bạn thì trưởng thành nghĩa là gì?

Thật tiếc là chúng ta không có một lễ trưởng thành như Nhật Bản và Hàn Quốc. Mười bốn tuổi, chúng ta có quyền làm chứng minh thư. Mười tám tuổi, được đi bầu cử và có đầy đủ quyền công dân. Mặc dù vậy, không có ai nghiễm nhiên được công nhận là đã trưởng thành vào tuổi mười tám. Cũng không ai làm lễ vào ngày nhận chứng minh thư hay lần đầu tiên đi bầu cử. Có phải vì không có dấu mốc rõ rệt nên chúng ta không có sự khao khát trưởng thành cũng như khao khát khẳng định sự trưởng thành của mình? Và vì thế mà có không ít thanh niên đến kỳ thi đại học vẫn không biết mình muốn học ngành gì. Tốt nghiệp xong vẫn không biết mình có ưa thích nghề này không. Bị công an giao thông phạt thì thưa rằng em không biết luật quy định như vậy. Và rất nhiều người khác dù đã vượt xa cái tuổi 18 mà vẫn hành xử như trẻ con.

Để chứng tỏ sự trưởng thành, bạn có thể học cách hành xử giống như những người trưởng thành. Tuy nhiên, trưởng thành không phải là để chứng tỏ. Thật ra, trưởng thành không phải là một thành tích có thể đạt được qua một đêm, mà là một quá trình diễn ra suốt cuộc đời. Chúng ta đạt đến sự trưởng thành ở từng khía cạnh khác nhau vào một thời điểm khác nhau trong cuộc sống. Có thể bạn trưởng thành trong chi tiêu ở tuổi lên mười, khi đã biết trân trọng từng đồng bạc mẹ cho. Có thể bạn trưởng thành trong ứng xử ở tuổi mười lăm, khi biết tôn trọng người đối diện. Nhưng có thể đến năm ba mươi tuổi, bạn vẫn chưa trưởng thành về tình cảm, nếu còn tin rằng tình yêu không thể chỉ được cảm nhận mà luôn cần phải được chứng minh…

Dù sao thì việc bị gán cho cái mác “thanh niên mà chưa trưởng thành” là thất bại đáng buồn đối với bất cứ ai. Tôi không biết vì sao cô bạn kia khẳng định là bạn chưa trưởng thành và về phương diện nào. Nhưng nhìn từ một góc độ nào đó, tôi cho rằng cô ấy đã nhận xét đúng. Có nhớ hôm kia bạn kể với tôi rằng từ miền Trung vào bạn “phải tự đi xe đò vào Sài gòn, tự tìm nhà trọ, tự mua bản đồ và hỏi đường đến điểm thi, không có ai đi theo cả”. Bạn kể với sự buồn bực không hề che giấu. Bạn trách cha mẹ mình đã không như hàng triệu phụ huynh khác, lặn lội đưa con đến phòng thi, rồi ngồi vạ vật đợi con đến tận trưa ngoài cổng. Tôi lấy làm lạ. Đáng lẽ đó là điều bạn phải tự hào mới đúng, sao lại tủi thân? Mười tám tuổi và vẫn chưa muốn (hay chưa được phép?) tự đi thi một mình, lẽ nào bạn cũng là một trong những người trẻ đang tìm cách trì hoãn sự trưởng thành của mình?

Bạn có biết, cũng như tuổi già, trưởng thành là một quá tình không thể ngăn cản, trước hay sau, nhanh hay chậm chúng ta cũng buộc phải trưởng thành. Trưởng thành là kết quả của những biến cố, vấp ngã, va chạm, kiến thức và cảm nghiệm mà ta thu nhặt được trên đường đời. Nhưng cũng vì vậy mà sự trưởng thành có thể bị trì hoãn, cũng như có thể được thúc đẩy… một cách khách quan hay chủ quan.

Có người nói với tôi rằng con người chúng ta cũng như những cai cây, và có những người giống như cây bonsai vậy. Cây bonsai không phát triển về tầm vóc, nhưng nó vẫn trưởng thành.

Ở Mỹ, trẻ vị thành niên trên 14 tuổi có thể trình Thỉnh nguyện thư lên thẩm phán để xin hưởng quyền trưởng thành. Người hưởng quyền trưởng thành được hưởng một số quyền pháp lý của người lớn như ký hợp đồng, tự chọn nơi sinh sống, định đoạt tài sản riêng và tự ghi danh đi học… Tuy nhiên, người đó sẽ phải tự lo liệu tài chính cho bản thân, tự mua bảo hiểm y tế, nha khoa, xe cộ, tự trả các hóa đơn của mình.

Một người bạn của tôi tâm sự rằng, khi cha anh mất vào năm anh 13 tuổi, một phần con người anh đã chết theo ông, và phần còn lại trưởng thành gần như ngay lập tức khi anh phải đối diện và xử lý tất cả việc còn lại của gia đình, thay cha chăm sóc mẹ và hai cô em gái nhỏ. Không còn chọn lựa, vào năm 13 tuổi, anh buộc phải trưởng thành.

Bạn hỏi rằng làm sao để biết mình đã trưởng thành hay chưa ư? Tôi sẽ nói bạn nghe điều tôi nghĩ: Bạn trưởng thành khi bạn đủ mạnh mẽ để trở thành điểm tựa, dù là điểm tựa của bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình.

Khi ấy, một người đàn ông sẽ ra đời.

Bởi ta là con người

Dịp cuối năm, tôi được mời dự nhiều đám cưới. Có đám chú rể và cô dâu đều rất trẻ, mới qua tuổi hai mươi. Có đám, ngược lại, cả hai người đều đã qua tuổi ngũ tuần.

Đôi lúc ngồi bên bàn tiệc, những tiếng chúc tụng lao xao và nụ cười rạng rỡ đến mức khó mà khép môi lại của cô dâu, tôi tự hỏi: điều gì giống nhau giữa họ, những cô dâu chú rể, ngoài các thủ tục của một đám cưới? Hay nói đúng hơn, điều gì giống nhau giữa chúng ta, những kẻ hiếm khi nào chịu tìm kiếm một ai đó, bằng cách này hay cách khác, để đưa đến tiệc cưới?

Có bao giờ bạn tự hỏi mình: hôn nhân có gì mà hấp dẫn đến vậy? Khi mà bạn, cũng như tôi, từng đọc quá nhiều bài báo nói về các cuộc chia tay, lạnh nhạt hay tiếc nuối, đau khổ hay vui mừng, đầy nước mắt hoặc đầy tiếng chửi rủa, không ít hơn thực tế mà ta nhìn thấy quanh mình. Đó quả thật là một viễn cảnh bi quan về hôn nhân, dễ khiến chúng ta sợ hãi. Nhưng tại sao chúng ta vẫn mải miết cưới nhau? Thậm chí, cưới, rồi lại cưới nữa. Mỗi khi tìm thấy một cơ hội có được cuộc hôn nhân đẹp và bền vững, ta không thể ngăn mình thử vận may.

Ngoài nữ bản năng và hấp lực tự nhiên được quy định bởi giới tính, có một sự thật là ai cũng thèm khát một khoảng riêng tư để cất giấu những bí mật đời mình, nhưng ngược lại không ai muốn cô đơn cả. Chúng ta luôn đòi hỏi sự độc lập, không bị ảnh hưởng hay lệ thuộc bất cứ ai, nhưng đồng thời, ta không ngừng mong mỏi được đắm mình vào sự an toàn, ấm áp, êm đềm của một mối quan hệ bền bỉ và đáng tin cậy. Chúng ta luôn mong được chia sẻ vui buồn, hạnh phúc và khổ đau với ai đó mình thương yêu và yêu thương mình. Đó là một nhu cầu mạnh mẽ. Một nhu cầu được gắn liền với hai chữ, Con Người.

Giữa những người lạ, ta cần một người quen. Giữa những người quen, ta cần một người yêu. Giữa những người yêu, ta cần một người hiểu. Giữa những người hiểu, ta cần một người tin. Tin và được tin. Như thế, yêu chưa phải là “kết cục có hậu” của một đười người. Yêu, mới chỉ là một nửa chặng đường dài mà thôi. Chúng ta cần nhau, trước hết để yêu nhau, nhưng không chỉ để yêu nhau. Chúng ta cần nhau cho một cuộc khám phá rất sâu, một cuộc phiêu lưu rất dài. Hôn nhân chính là bằng chứng cao nhất cho sự cần nhau đó.

Tôi từng ngạc nhiên nhận ra rằng khi tôi nói với ai đó Tôi yêu em một cách chân tình nhất, lắm lúc người ta vẫn hoang mang lo lắng: Lời ấy có chân tình chăng?. Nhưng khi tôi nói “Tôi cần em”, tôi có cảm giác là người ta không nghi ngại. Vì sao vậy?

Tôi đã mang câu hỏi đó thật lâu trước khi tìm được câu trả lời từ chính bản thân mình. Khi ta nói yêu, thường là thổ lộ. Nhưng khi ta nói cần, thường là thú nhận. Là thú nhận, nghĩa là nó thành thật. Thành thật hơn hết thảy. Khi ta biết mình cần gì, tức là ta biết mình có gì, thiếu gì, muốn gì. Khi ta nhận ra mình cần ai đó, đúng ai đó, là khi ta thành thật với mình nhất. Con người vốn quá kiêu hãnh và tự tôn, bởi thế chúng ta ít khi muốn thú nhận về điều mình thực sự cần. Chúng ta sợ lời thú nhận đó sẽ biến mình thành một kẻ yếu đuối. Chúng ta sợ bị người khác nắm “vận mệnh” của mình trong tay. Ta sợ rằng một khi đối phương đã biết được bí mật của ta rồi, thì ta thua chắc. Ta sẽ không còn đường lùi. Và nếu “đời không như là mơ”, trông ta thảm hại làm sao trong mắt họ, người đã biết điều ta cần, và đã lắc đầu từ chối.

Bởi thế nên chúng ta cần, nhưng giả vờ như không. Chúng ta tưởng đó là cách giữ thể diện, vị thế và lòng kiêu hãnh. Có lúc ta lại ra vẻ cứng cỏi, xa cách, ngạo nghễ, khép kín và bất cần, như ta có thể tồn tại tựa những tinh cầu đơn độc… Nhưng nhiều khi đó chính là cách ta đánh mất những điều quý giá. Khoảnh khắc mà ta tìm được một người thực sự có ý nghĩa của mình đang tồn tại trên cõi đời này, bất kể sau cùng ta có nắm giữ được trái tim người ấy hay không, thì khoảnh khắc đó cũng là khi ta bắt đầu cảm nhận được thế nào là hạnh phúc. Khi bắt đầu cảm thấy không cần nhau nữa, hoặc khi tưởng rằng không cần nhau nữa, đó là lúc hạnh phúc bắt đầu bỏ ta đi.

Tôi nhớ ca khúc People do Barbara Streisand hát vào thập niên trước: “Người cần người, là những người may mắn nhất thế gian… Những người tình là những người may mắn nhất thế gian. Với một người, một người thật đặc biệt. Và một cảm xúc từ thẳm sâu trong hồn nói rằng em từng là phân nửa, giờ thành vẹn nguyên”.

Ngồi giữa một đám cưới, bỗng dưng tôi hiểu rằng lời yêu đôi khi không nhất thiết phải nói, nhưng cảm giác cần nhau thì không thể không bày tỏ. Bởi khi nhận ra mình cần đến ai đó, ta cũng đồng thời nhận ra họ có ý nghĩa to lớn thế nào đối với đời ta. Nhờ đó, ta có thể nhìn thấy một cách rõ ràng hơn những gì họ mang đến cho mình. Và khi ấy, có lẽ, ta sẽ nói thường xuyên hơn lời cám ơn. Ta biết trân trọng những gì ta nhận được. Barbara vẫn đang hát trong ký ức mơ hồ của tôi: “Người cần người, là những người may mắn nhất thế gian. Nhưng trước hết hãy trở thành một người cần người khác”.

Làm thế nào để trở thành một người cần người khác? Có gì khó đâu, chỉ cần thành thật với chính mình.

Bởi ta là con người, ta được thiết kế kiến tạo để cần nhau.

Còn thời cưỡi ngựa bắn cung

Có hai loại người, những người làm việc và những người giành được lời khen ngợi. Hãy cố tham gia vào nhóm đầu tiên, ở đó ít cạnh tranh hơn.

INDIRA GANDHI

Có một lần, cô cháu gái 12 tuổi thích vẽ vời của tôi thổ lộ rằng lớn lên, cô bé muốn làm thợ may. Khi ấy, tôi đùa: “Phải trở thành nhà thiết kế thời trang nổi tiếng chứ. Làm thợ may chán chết!”. Nhưng cô bé cương quyết: “Con không muốn nhà thiết kế nổi tiếng. Con muốn là thợ may”. Chị họ tôi ngán ngẩm lắc đầu: “Giờ thì nói gì cũng được, chứ mai mốt lớn mà đòi làm thợ may là không được đâu nghe con”.

Nhưng tôi, nhìn đôi mắt trong veo kiên định của cháu và giật mình. Cơ sở nào để người ta xếp loại nghề nghiệp này là tầm thường, còn nghề nghiệp kia là vinh quang? Vì số tiền kiếm được? Vì trình độ học thức mà nó đòi hỏi phải có? Hay vì danh tiếng?

Khi còn trẻ, chúng ta thường gắn ước mơ của mình với hai chữ “nổi tiếng”. Có lẽ Byron nói đúng: “Danh tiếng là cơn khát của tuổi trẻ”. Muôn đời. Nhưng, có khi nào cơn khát đó dẫn chúng ta lạc đường không? Tôi ra về và nghĩ đến ước mơ thợ may của cháu tôi.

Mơ ước làm thợ may không ngăn cản ta học hỏi để may những bộ áo chuẩn mực như các hãng thời trang hạng nhất. Nếu bạn muốn hai thứ: thợ may và danh tiếng, hãy trở thành một thợ may xuất sắc, rồi danh tiếng sẽ đến sau đó.

Nhưng ước mơ của cháu tôi chỉ là thợ may thôi. Mơ ước làm thợ may, không có nghĩa chỉ mở một tiệm may nhỏ xíu nằm bên khu chợ nhỏ xíu ở một thị trấn nhỏ xíu nào đó. Nhưng nếu đó là tất cả những gì cô bé muốn, cắt và may những bộ áo đẹp cho người khác, thì có gì sai? Nếu đó là những gì bạn muốn, chứ không phải là những gì chán ngắt mà bạn buộc phải làm.

Tôi có một người bạn, từng là một học sinh giỏi, tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, rồi học thạc sĩ ở nước ngoài, và bây giờ, anh trở về mảnh đất của cha anh ở một vùng quê hẻo lánh để trồng những cây ăn trái, suốt ngày xắn quần với xới gốc và tưới cây. Có người nói với tôi rằng như vậy thật là phung phí bao nhiêu năm ăn học. Nhưng bạn tôi, chính bạn, biết rằng những năm tháng ấy không hề phung phí, và trở lại làm một người nông dân không hề là một bước lùi. Những trái cây anh trồng là loại quả sạch, tốt cho sức khỏe và chất lượng hảo hạng.

Mỗi người đều phải leo lên những bậc thang đời mình. Có người mơ ước xa: đến đỉnh cao nhất. Có người mơ ước gần: một hai bậc, rồi sau đó, một hai bậc tiếp theo. Có người cứ lặng lẽ tiến bước theo mục tiêu của mình, gạt bỏ mọi thị phi. Có người đi chu du một vòng thiên hạ, nếm đủ đắng cay rồi mới chịu trở về với mơ ước ban đầu. Nhưng cũng có người lỡ bay quá xa và không thể điều khiển đời mình được nữa, chỉ còn buông xuôi và tiếc nuối. Tôi nhận ra rằng, thực ra, ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.

Có lẽ chúng ta cần một cái nhìn khác. Rằng chẳng có ước mơ nào là tầm thường. Và chúng ta học không phải để thoát khỏi nghề rẻ rung này, để được làm nghề danh giá kia. Mà học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào.

Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó là lý do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rung công việc bình thường khác. Cha mẹ ta, phần đông, đều làm những công việc rất bình thường. Và đó là một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy. Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả là kỹ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chip vào máy tính.

Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường.

Nghề báo khiến tôi gặp gỡ nhiều người nổi tiếng và tôi nhận ra rằng danh tiếng giống như tháp Bayon, người ta phải đi một vòng mới nhìn thấy hết các mặt của nó. Danh tiếng, với một số người, là mục tiêu duy nhất của cuộc đời. Nhưng với vài người khác, nó giống như một tai nạn xảy ra ngoài ý muốn và chẳng mang đến điều gì tốt đẹp. Đôi khi người ta xem danh tiếng là phần thưởng đáng giá cho công việc. Nhưng cũng có người cho rằng danh tiếng chỉ là món hàng khuyến mại không mấy hữu dụng khi họ được làm điều họ yêu thích. Và bởi thế, khi rũ bỏ danh tiếng, hào quang, quyền lực để trở về với cuộc sống “tầm thường”, họ chẳng tiếc nuối chi.

Nhà văn Sơn Nam có lần đọc cho tôi nghe hai câu thơ của ông tình cờ sưu tầm được khi lang thang bên những phận người nhỏ bé:

“Còn thời cưỡi ngựa bắn cung.

Hết thời cúi xuống lượn (dây) thun… bắn ruồi”

Âu cũng là lẽ thường tình vậy.

Oprah Winfrey có nói: “Nếu bạn đạt đến danh vọng mà vẫn chưa hiểu được mình là ai, thì chính danh vọng sẽ xác định bạn là ai”. Như vậy, danh vọng là thứ chỉ nên có khi ta hiểu mình và điều khiển được nó. Điều khiến được nó nghĩa là cầm lên được, đặt xuống cũng được. Bởi danh tiếng có lừng lẫy ra sao, địa vị có cao sang đến thế nào, thì cũng sẽ có lúc ta phải rời yên xuống ngựa. Chỉ có người ngốc nghếch mới tin rằng mình ó thể giương cung được mãi.

Hosokawa Morihiro từng là Thủ tướng Nhật Bản cách đây vài nhiệm kỳ, nhưng đến năm 60 tuổi, ông rời chính trường và về sống ở một thung lũng thuộc tỉnh Kanagawa. Tại đó, ông trồng rau và học làm gốm. Hosokawa nói một trong những điều ông thích ở nghề gốm là nó khiến ông chỉ tập trung vào cái mình đang thực hiện và “một khi tôi đã quyết chuyện gì thì tôi theo đuổi cho tới cùng”. Ông học làm gốm cơ bản và chỉ làm những tách trà nhỏ theo kiểu xưa, nhưng ông làm rất chuyên tâm và cuối cùng đã tổ chức triển lãm những tác phẩm của mình như một nghệ sĩ thực thụ.

Nghệ nhân gốm Morihiro đã khiến tôi nhận ra rằng xã hội này tốt đẹp hơn không phải bởi tất cả đều trở nên danh tiếng và giàu có, mà bởi mỗi người chúng ta (dù nổi tiếng hay vô danh) đều làm công việc của mình một cách chuyên tâm và tự hào. Hosokawa đã là một chính trị gia tận tâm khi ở trên đỉnh cao danh vọng, và khi là một thợ gốm học việc, ông vẫn tận tâm như vậy.

Rốt cuộc thì đó mới chính là điều đáng để chúng ta theo đuổi được chuyên tâm với công việc mà mình yêu thích. Đó là bí quyết của thành công. Và đó cũng là bí quyết của hạnh phúc. Phải vậy không?


/10

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status