Hà Thần

Chương 16: Mộ Hải Trương Ngũ

/21


Một

Con sông được nhắc đến nhiều nhất trong "Hà thần" là Hải Hà, không được xếp vào hàng ngũ những con sông dài. Bắt đầu từ cầu Kim Cương cho đến khi đổ ra biển ở cửa Đại Cô, toàn bộ con sông trải dài bảy mươi ba cây số, nhưng lưu vực của dòng Hải Hà lại rất rộng, bao gồm năm nhánh sông chính, theo thứ tự là "sông Bắc Tam, sông Vĩnh Định, sông Đại Thanh, sông Tử Nha và sông đào Chương Vệ Nam". Năm nhánh sông chính lại chia ra thành hơn ba trăm con sông nhỏ, trải khắp toàn bộ vùng Hoa Bắc với hình thù giống như một cái quạt, Hải Hà của Thiên Tân vệ có thể coi là cán quạt, bởi đến khu vực này con sông đột ngột thu hẹp lại. Địa hình của khu vực này là tây bắc cao, đông nam thấp, bắc có Yên Sơn, tây có Thái Hành sơn, đông nam là bình nguyên rộng lớn. Con sông bắt nguồn từ cao nguyên, xói mòn đất bazan, cuốn theo một lượng lớn bùn cát chảy đến Hải Hà, khiến lòng sông đầy dần lên theo từng năm. Ứng theo đó, nước lũ không chảy xuôi xuống hạ du được, cho nên thường xuyên xảy ra lũ lụt.

Mỗi lần lũ định kỳ vào mùa hạ, nước sông cuồn cuộn chảy xiết, lần nào thế nước lũ tràn về cũng mãnh liệt đầy hung dữ. Căn cứ vào sách vở ghi lại, từ khi lập vệ dựng thành Thiên Tân vào triều Minh cho đến nay, lưu vực Hải Hà đã phát sinh ba trăm tám mươi bảy lần thiên tai lũ lụt nghiêm trọng, thành Thiên Tân đã bị nước lũ ngập lụt hơn bảy trăm lần, nhà cửa của quân dân bị hư hại vì hứng chịu nhiều trận lũ lụt. Sau giải phóng, Mao Chủ Tịch từng đưa ra chỉ thị, nhất định phải trị tận gốc thủy tai của Hải Hà. Bởi vậy, mỗi lần đến thời hạn cố định, người ta phải nạo vét bùn đất cho dòng Hải Hà, đồng thời đào mương máng phân lũ.

Câu chuyện đã đến năm 1958. Năm đó, người chết đuối rất nhiều, bởi vì tình hình hạn hán nghiêm trọng, thời tiết nóng như thiêu như đốt, số người muốn tắm mát, xuống sông bơi lặn nhiều hơn những năm trước cả vài lần. Vào tháng nóng nhất của mùa hè, kể cả người không biết bơi cũng không chịu đựng nổi phải nhảy xuống sông tắm. Bởi vì thiên tai hạn hán, mực nước xuống thấp đến mức lộ ra cả bùn đất và rong rêu dưới đáy sông. Người xuống sông tắm rất dễ bị bùn lầy hút chặt, hoặc bị rong rêu cuốn lấy, càng giãy càng bị cuốn chặt, dù bơi giỏi đến mấy cũng không thể thoát chết.

Bức họa ông táo nhà Quách sư phụ bị hủy, theo cách nói của Trương Bán Tiên thì đó là phá phong thuỷ, sẽ phải hứng chịu vận rủi. Nhưng ông ta bận rộn cả ngày vớt xác trôi sông, lấy đâu ra thời gian mà lo với lắng.

Ngày hôm sau, lão Lương tìm tới Quách sư phụ, bảo rằng tất cả các ngành các chi đội đều phải cử người tham gia công việc trị thuỷ, nạo vét mương máng chống hạn phòng chống lũ lụt. Ông này quyết định cử Quách sư phụ và Đinh Mão đi tham gia lao động.

Từ lúc ấy trở đi, ngày nào hai người họ cũng phải đi nạo vét sông cái. Nạo vét sông là việc cực nhọc nhất, đặc biệt là vào mùa hạ trời oi bức không mưa, trời nắng như đổ lửa, mặt trời chói chang chiếu thẳng xuống đỉnh đầu. Khi nạo vét dưới mương máng, ánh nắng chiếu xuống, lớp bùn lầy biến thành màu xanh lục, thối không thở nổi. Quách sư phụ không những chỉ nạo vét con sông cái, mà đến lúc có người chết đuối dưới sông, ông ta còn phải đảm nhận công việc vớt tử thi cùng với Đinh Mão.

Công việc chống lũ chủ yếu là nhân lúc vào mùa nước cạn, nạo vét bùn lắng dưới đáy sông, khơi thông dòng chảy, để đến lúc gặp phải mưa to, lũ lụt không đến mức tràn thẳng vào nội thành. Đoạn sông mà Quách sư phụ và Đinh Mão nạo vét nằm ở vùng ngoại thành phía tây bắc. Nơi đó là một vùng xanh tươi, phủ đầy những vườn cây rộng lớn, không xa lắm về phía tây là "Đắc thắng khẩu", ngày xưa gọi là Tiểu Sao Khẩu. Vào thời Hàm Phong nhà Thanh, Lâm Phượng Tường Lý Khai Phóng đã chỉ huy quân Thái Bình Thiên Quốc bắc phạt, đánh tới Tiểu sao khẩu, chuẩn bị qua sông thì đột nhiên bị dân đoàn* phục kích, thất bại tan tác, bởi vậy triều đình mới ban cho cái tên "Đắc thắng khẩu" .

*Tổ chức vũ trang ở địa phương của bọn cường hào địa chủ Trung Quốc thời xưa

Khí trời oi bức, hai nhóm người luân phiên nạo vét sông cái. Giữa trưa ngày hôm ấy, đến phiên Quách sư phụ nghỉ trưa, những công nhân trị thuỷ xúm lại vây quanh bắt ông ta kể chuyện yêu ma dưới sông và biển.

Quách sư phụ không dám kể chuyện liên quan đến quỷ thần, sợ lỡ lời nói sai cái gì, lại phải hứng chịu cơn giận của lão Lương. Ông ta chợt nhớ ra, đi về phía tây là "Đắc thắng khẩu", lại nghe nói nơi đây có mộ của Hải Trương Ngũ, bèn kể về những tích chuyện ngắn về kẻ này. Vào những năm cuối nhà Thanh, Hải Trương Ngũ là tên trùm lưu manh khét tiếng của Thiên Tân vệ, xuất thân nghèo khổ, làm giàu bằng cách khống chế việc buôn bán muối. Thiên Tân làm ra muối, bởi vậy vào thời nhà Thanh, tất cả những người giàu có nhất trong nội thành đều là thương nhân buôn muối, từ đó có thể suy đoán ra, Hải Trương Ngũ phải giàu đến mức nứt đố đổ vách. Vào cái năm quân Thái Bình bắc phạt đánh tới thành Thiên Tân, hắn đã bỏ tiền tổ chức lực lượng dân đoàn, mai phục tại Tiểu sao khẩu, dùng hoả lực đồng loạt tấn công. Quân Thái Bình ngã rạp từng mảng dưới họng súng kíp của dân đoàn, binh bại như núi đổ, cuối cùng bị quân kỵ mã của Tăng Cách Lâm Thấm** tiêu diệt. Bởi vậy, Hải Trương Ngũ đã được triều đình khen thưởng, phong tặng cho hàm võ quan tam phẩm. Hải Trương Ngũ là tư thương buôn muối xuất thân từ lưu manh. Đừng thấy hắn có mũ miện lông công mà lầm, một chữ bẻ đôi cũng không biết, đòn gánh đặt ngang trên mặt đất cũng không đọc ra được là chữ nhất. Có lần, một vị khâm sai đại thần xuống thị sát, Hải Trương Ngũ đứng ra tiếp đãi, hàn huyên với vị khâm sai đại nhân. Sau khi thảo luận xong việc công, vì muốn xóa ngăn cách, kéo gần quan hệ giữa thượng cấp và hạ cấp, Hải Trương Ngũ hỏi khâm sai đại thần có mấy người con. Khâm sai đại thần bảo rằng có hai khuyển tử, nói xong quay sang hỏi chuyện nhà Hải Trương Ngũ. Hải Trương Ngũ thầm nghĩ: "Chức quan lớn như vậy mà khâm sai đại nhân còn gọi công tử trong nhà là khuyển tử, theo chức võ quan Tam phẩm của mình thì nên gọi như thế nào mới phải? Tóm lại, con cái của ta bất kể thế nào cũng không thể đánh đồng với công tử nhà khâm sai đại nhân được." Nghĩ vậy, hắn lập tức cúi người đáp: "Khiến đại nhân chê cười rồi, trong nhà hạ quan chỉ có một tinh trùng lên não."

**Tăng Cách Lâm Thấm (1811-1865), tiếng Mông Cổ: Sengge Rinchen, là người tộc Bác Nhĩ Tể Cát Đặc của Mông Cổ, danh tướng cuối thời Mãn Thanh. Thời Hàm Phong và Thuận Trị, khi tham gia chiến đấu với quân Thái Bình Thiên Quốc và liên quân Anh Pháp, ông đã lập được nhiều công lớn.

Nghe kể xong, đám công nhân trị thuỷ con sông cái phá ra cười. Đang định nài nỉ Quách sư phụ kể thêm một tích chuyện nữa, họ chợt nghe thấy những người đang nạo vét bùn dưới sông trở nên huyên náo, bởi sau khi xúc hết lớp bùn, bên dưới đã xuất hiện quái vật.

Hai

Năm 1958, Thiên Tân vệ xảy ra hai sự kiện lớn, một là đua nhau luyện sắt thép theo phong trào, hai là nạo vét sông cái chống hạn phòng lũ, công việc chủ yếu là nạo vét hết lớp phù sa lắng đi. Khi ấy thực sự đã đào lên được không ít đồ vật, bởi vì lớp bùn lắng dưới sông đã tích tụ qua nhiều năm, đã chôn vùi những nghĩa địa hoặc thôn làng ở ven sông xuống dưới, bởi vậy mới đào được những đồ vật có niên đại vài trăm năm. Đến giờ, khi nhắc đến chuyện năm đó, một số ít người cao tuổi vẫn còn ấn tượng, cho dù không được tận mắt nhìn thấy thì cũng đã từng được nghe kể lại. Những sự việc thực sự đáng kinh ngạc đáng khiếp sợ, tổng cộng chỉ xảy ra bốn lần, sự việc mà Quách sư phó và Đinh Mão được chứng kiến là lần thứ tư.

Người ta tiến hành nạo vét phù sa ở kênh mương ngoài thành để phòng chống lũ lụt ở hơn mười nơi, bốn sự việc đó không đồng thời xảy ra ở cùng một địa điểm. Sự việc kỳ lạ đầu tiên xảy ra trên sông Tử Nha. Năm đó, khi nạo vét sông cái, người ta chỉ làm vào ban ngày, đào hết bùn lắng lên, xúc lên xe cút kít mang đi đổ. Bên bờ sông dựng một cái rạp lớn, những người công nhân trị thuỷ nhà ở xa sẽ ở lại qua đêm trong cái rạp đó. Mùa hè oi bức, rất nhiều muỗi, nhưng công việc nạo vét sông quá cực nhọc, toàn bộ đám công nhân trị thủy vừa nằm xuống đã lăn ra ngủ ngay. Đến lúc ấy, bên ngoài rạp bỗng xuất hiện sáu đứa bé mặt đồ đen, độ tuổi xấp xỉ nhau. Chúng đẩy cửa rạp ra, sau đó nói một câu mà toàn bộ đám công nhân trị thuỷ không hiểu tí gì "Huynh đệ chúng ta vẫn luôn ở cùng một chỗ, đừng để họ tách chúng ta ra". Lúc ấy không có ai hiểu được câu đó có ý gì, cũng chẳng biết sáu đứa bé đó từ đâu mà đến, đang định truy hỏi thì đã thấy cửa rạp đóng chặt lại rồi, không kịp nhìn thấy sáu đứa bé đi về phía nào. Những người công nhân trị thủy cứ ngỡ mình nằm mơ. Ngày hôm sau tiếp tục nạo vét khơi dòng, trong lúc tiến hành công việc họ đào được sáu con mèo đúc bằng sắt rất lớn dưới lớp bùn, đã han rỉ toàn bộ, không nhìn ra được hoa văn ra sao, hình dáng giống loài như mèo, không biết là vật chìm xuống sông thuộc về triều đại nào. Khi đó, hiến đồng hiến sắt cho quốc gia là việc quang vinh, khi đi trên đường nhặt được một cây đinh sắt cũng không quên nộp lên trên, bởi vậy sáu con mèo sắt bị mang đi nấu chảy ra. Những người công nhân trị thuỷ đa phần là người có xuất thân thấp hèn làm công việc chân tay, những người này rất mê tín, tin rằng sáu đứa bé ngày hôm đó là do sáu con mèo sắt ở đáy sông biến thành người. Đồ cổ đã sinh ra linh khí, nếu bị hủy sẽ mang lại tai họa, họ bèn âm thầm thắp hương cầu khấn, nhưng từ đó về sau vẫn không hề có việc gì lạ phát sinh.

Lần thứ hai xảy ra bên ngoài cửa tây. Thời xưa, Thiên Tân vệ có bốn cửa thành, theo thứ tự là "Củng Bắc Môn, Trấn Đông Môn, An Tây Môn, Định Nam Môn". Năm Canh Tý (1900) toàn bộ tường thành cửa thành đã bị phá dỡ, nhưng mọi người vẫn tiếp tục gọi theo tên cũ. Bên ngoài cửa tây có một con sông bảo vệ thành, có một thời đã từng là chiến hào. Khi người ta nạo vét bùn lắng ở đó đã đào được một ngôi mộ cổ, bên trong không có quan tài, chỉ có một cái huyệt rất chật hẹp. Bên dưới huyệt có một cái xác đã khô quắt, quần áo vẫn chưa hoàn toàn mục nát, kín mít từ đầu đến chân. Trong vài năm nạo vét sông khi ấy, số mộ mà người ta đã đào ra không dưới vào trăm, nhưng chỉ có ngôi mộ này là đáng sợ. Gương mặt của cái xác khô quắt đó lõm vào trong, cũng có thể nói là không có mặt, bởi phần mặt từ hàm dưới đến lông mày chỉ là một lỗ thủng bằng cỡ nắm tay. Nước tù đọng dưới ngôi mộ vàng úa, tanh hôi khó ngửi. Sau đó không ai biết cái xác ướp cổ đó đã bị mang đi đâu. Sự việc này đã làm dấy lên không ít lời đồn, nhưng tất cả đều không đáng tin.

Lần thứ ba là tại cầu nổi Diêu Oa. Khi còn là mặt đất bằng, vào thời nhà Thanh nơi đây đã từng là nha môn Tổng đốc Trực Lệ. Khi nạo vét phù sa, người ta đã đào ra được một con rắn kỳ dị dài hơn thước, to cỡ cẳng tay, toàn thân đỏ rực, trên đầu có một cái mào thịt. Điều kỳ quái nhất là con r

/21

THICHDOCTRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status